Ngày 16/9, đại diện Bệnh viện Từ Dũ cho biết sản phụ ở Bà Rịa Vũng Tàu, từng mang thai tự nhiên và sinh thường con đầu lòng năm 2017. Sau 5 năm, chị mong sinh thêm bé thứ hai nhưng không được. Bác sĩ kết luận dự trữ buồng trứng giảm do lạc nội mạc buồng trứng, phải mổ nội soi bóc nang lạc nội mạc và hỗ trợ sinh sản bằng thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Bệnh nhân được kích trứng và chọc hút trứng tạo 4 phôi trữ. Trước khi chuyển phôi, bác sĩ kiểm tra thấy có ứ dịch ống dẫn trứng bên phải, đề nghị cắt ống này để tăng khả năng thành công. Sau lần đầu chuyển phôi thất bại, bệnh nhân thành công ở lần thứ hai, đậu song thai.
Thai nhi phát triển bình thường, đến lúc hơn 29 tuần, người phụ nữ đau bụng âm ỉ, đi khám bác sĩ chẩn đoán dọa sinh non. Đến Bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ ghi nhận mạch, huyết áp bình thường, thai chưa có dấu chuyển dạ, song ấn hạ sườn phải thấy đau nhiều. Ê kíp chuyển qua siêu âm gấp, ghi nhận ổ bụng mẹ có rất nhiều dịch bất thường, nghi ngờ xuất huyết nội nên chọc dò ổ bụng.
Sản phụ được chuyển lên phòng mổ cấp cứu, ê kíp ghi nhận khoảng một lít máu sậm và cục trong bụng. Các bác sĩ bắt ra hai bé gái cực non, nặng 1 và 1,2 kg. Hai bé được bác sĩ sơ sinh túc trực để hỗ trợ và ổn định hô hấp ngay khi chào đời rồi đưa về lồng ấp ở khoa sơ sinh.
Kíp mổ tiếp tục kiểm tra thấy góc phải tử cung có vết nứt 2 cm đang chảy máu, mô nhau thập thò qua vết nứt. Ở vị trí ống dẫn trứng phải đã cắt do tình trạng ứ dịch, cơ tử cung bị tổn thương một phần, yếu đi nên khi mang thai, đặc biệt là song thai thì không đủ sức giữ thai đủ tháng. Bác sĩ khâu phục hồi cơ tử cung chỗ bị nứt, thắt động mạch tử cung hai bên. Bệnh nhân mất khoảng 1,5 lít máu trong cuộc mổ.
Sau mổ hai ngày, sản phụ phục hồi sức khỏe tốt, không sốt, vết mổ khô, ăn uống, đi lại gần như bình thường, được cho xuất viện. Khoảng thời gian này, người mẹ tranh thủ kích sữa và hút sữa để tạo nguồn sữa mẹ tốt nhất cho hai bé ở khoa sơ sinh.
Hai bé dần ổn định sau hai tuần nằm hồi sức, có thể tự thở, được chuyển ra ngoài để thực hiện chăm sóc kangaroo, tức đặt bé nằm tiếp xúc trực tiếp da kề da trên ngực mẹ hoặc người thân liên tục.
Chiều 16/10, sau ba ngày ra phòng thường, hai em đã bú trực tiếp những giọt sữa mẹ.
Lê Phương