Tướng Xô, người phát ngôn Bộ Công an, nói thông tin trên tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 4/7.
Ông Sơn, 46 tuổi, thuộc nhóm 8 người trốn ra nước ngoài bị truy nã ngày 8/7/2022 trong đại án AIC, được xem là "một trong những mắt xích quan trọng của vụ án". C03 đang khai thác bị can Sơn để làm rõ thêm một số tình tiết vụ án.
Bộ Công an tiếp tục kêu gọi những người còn lại đang lẩn trốn sớm ra đầu thú để "được xem xét hưởng khoan hồng cũng như thoát khỏi cảnh sống chui lủi, nơm nớp lo sợ và bất an". Các nghi phạm có thể liên hệ với C03 hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại để được hướng dẫn, hỗ trợ khi đầu thú.
Tại phiên tòa cuối năm 2022 tại TAND Hà Nội, ông Sơn bị tuyên phạt 6 năm tù. TAND Hà Nội phạt 35 bị cáo còn lại từ 30 tháng tù treo đến 30 năm tù ở 5 nhóm tội: Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, bà Nhàn nhận hình phạt nặng nhất 30 năm tù.
Tháng 11/2022, trước khi mở phiên toà, Bộ Công an phát thông tin đề nghị Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn, ông Sơn cùng 6 người ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng và thực hiện quyền tự bào chữa theo Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự.
"Nếu tiếp tục bỏ trốn, cơ quan điều tra coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa", nhà chức trách nêu quan điểm.
Đây là vụ án được VKS đánh giá là "minh chứng điển hình cho lợi ích nhóm". Theo kết luận của toà, suốt 12 năm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai đã được AIC bôi trơn hơn 43 tỷ đồng nhằm giúp AIC trúng 16 gói thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, theo phương thức thông thầu. Hành vi gian lận này bị các cơ quan tố tụng xác định làm Nhà nước thiệt hại hơn 152 tỷ đồng.