Sáng ngày đầu tháng 7, khi mặt trời chưa lên khỏi mặt biển, ông Huỳnh Hốt, nhân viên Ban Quản lý và Khai thác yến Cù Lao Chàm đóng trên đảo Hòn Khô - một trong bảy hòn đảo ở Cù Lao Chàm, đã thức dậy. Ông đến nhà cứu hộ chim yến rộng 20 m2 nằm bên vách đá chênh vênh giữa biển khơi bắt đầu công việc.
Ngoài bảo vệ, khai thác tổ yến, gần một tháng qua ông Hốt có thêm công việc mới. Buổi sáng, ông xay nhuyễn dế bằng máy sinh tố, đổ vào thau nhựa cùng với bột tổng hợp theo tỷ lệ 50-50, trộn đều tạo thành hỗn hợp dẻo sền sệt rồi cho vào túi bóng. Dưới đáy túi, ông Hốt xé một lỗ nhỏ giống như bình bú sữa và dùng tay ấn mạnh để bột lọt ra ngoài dưới dạng cục nhỏ xíu.
Cầm bịch bột, ông lần lượt đến chiếc giàn, ở đó gần 100 con yến non nằm trong tổ nhân tạo đang kêu ríu rít chờ thức ăn. Có con đỏ hoe chưa mọc lông, mở mắt; có con mọc lông nhiều, vỗ cánh ngóc cao đầu. Thấy tiếng người đến gần, từng con chim yến non vươn đầu lên khỏi tố há miệng chờ đút thức ăn.
Ông Hốt kề túi bột từng miệng chim yến, bóp nhẹ nhàng. Công việc được lặp lại cho đến lúc chim non cuối cùng ăn xong. Diều no căng, yến lăn ra ngủ. Ông Hốt quay về vệ sinh cá nhân và dùng bữa sáng.
7h sáng, ông xuống hang Khô - một trong 11 hang yến tự nhiên trên đảo Cù Lao Chàm, thu nhặt chim non rơi. Mùa này chim yến đang sinh sản. Trong hang đá có hàng nghìn tổ yến bám vào nằm cheo leo trên vách dựng đứng, cao hơn 10 m. Mỗi tổ yến có hai con non, bố mẹ chúng đi tìm thức ăn trong đất liền.
Chiếc tổ bé nhỏ, trời nắng nóng, yến nhoài ra ngoài, rơi xuống trúng đá hoặc gặp sóng biển cuốn trôi. Biết được đặc tính này, nhân viên dùng lưới căng phía dưới, yến con rơi xuống ít bị chết. Lưới còn có tác dụng hạn chế yến bị thương.
Ông Hốt thường xuyên kiểm tra xem có yến non rơi xuống thì nhặt đưa lên nhà cứu hộ chăm sóc. Sau 40 ngày nuôi dưỡng, chim được đưa ra hang, bắt đầu tập bay và sau 5 ngày làm quen thì nhập đàn, ra môi trường tự nhiên kiếm sống.
"Chim non 1-15 ngày tuổi chưa mở mắt dễ chăm sóc, vì thấy tiếng người tưởng mẹ nên tự há miệng đón chờ thức ăn. Loại trên 15 ngày tuổi đã mở mắt không chịu ăn nên khó chăm sóc", ông Hốt nói, cho biết để cứu yến loại lớn phải dùng nhiều phương pháp đút bằng được thức ăn vào miệng.
Mới đầu vụ sinh sản nhưng nhân viên đảo hòn Khô đã nuôi dưỡng được 50 con yến trưởng thành. Khoảng vài tuần nữa yến nở rộ, họ sẽ cứu hộ gần nghìn con bị rơi xuống. "Giây phút yến bay ra khỏi hang nhập đàn tự nhiên, bắt đầu cuộc sống mới, chúng tôi vui lắm", ông Hốt nói.
Trong nhà cứu hộ, trời về trưa nắng nóng, hệ thống phun sương sẽ hoạt động tạo độ ẩm, các cánh cửa khép lại chỉ chừa lỗ nhỏ. "Đêm xuống, trời nóng thì mở cửa sổ cho gió vào thoáng mát, trời lạnh thì thắp bóng điện giữ ấm. Chúng tôi cắt cử một người theo dõi diễn biến sức khỏe từng con, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp, canh giữ ngăn chuột, rắn, kiến vào ăn yến", ông Hốt nói.
Cách đảo Hòn Khô khoảng 10 km về phía đông, hang Mũi Dứa thuộc đảo Hòn Lao, cũng có một nhà cứu hộ. Ngôi nhà rộng hơn 40 m2 với hàng trăm tổ yến nhân tạo đã sẵn sàng để đón yến con gặp nạn về nuôi dưỡng.
Hiện nơi này nuôi 50 con yến rơi từ hang đá xuống. Cách thức chăm sóc, nuôi dưỡng ở đây tương tự ở đảo Hòn Khô. Mỗi ngày, nhân viên túc trực ở hang, khi phát hiện yến rơi sẽ đem vê nhà cứu hộ. Ngôi nhà này còn nhận yến gặp nạn từ các hang khác trên đảo Cù Lao Chàm.
Việc cứu hộ yến đã diễn ra ở đảo Cù Lao Chàm ba năm nay, người khởi xướng là kỹ sư Huỳnh Ty, Phó giám đốc Ban Quản lý và Khai thác yến Cù Lao Chàm. Từng tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm Huế, ông Ty trải qua nhiều chức vụ tại Hội An và năm 2016 chuyển về Ban quản lý làm việc.
Tại đây, ông chứng kiến một năm yến sinh sản hai vụ. Vụ đầu thu hoạch tổ khoảng tháng 4, số lượng chim non ít; vụ hai cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 yến con rơi khỏi tổ khá nhiều. Như năm 2019, thời tiết khắc nghiệt, có hàng nghìn chim non rơi khỏi tổ mỗi ngày. Những con chim yếu ớt nếu không được cứu hộ sẽ chết do sóng biển hoặc thiên địch như chuột, cá biển, ong vò vẽ, kiến ăn.
"Mỗi năm yến Cù Lao Chàm đem lại nguồn thu 50-70 tỷ đồng từ việc khai thác tổ. Yến đem lại nguồn thu lớn, nhưng bị chết thì phải tìm cách cứu sống", ông Ty giải thích. Việc này không những có ý nghĩa nhân đạo mà còn góp phần bổ sung tái tạo đàn yến đang có nguy cơ bị suy giảm hàng năm.
Kết quả hai năm đầu triển khai cứu hộ không thành công. Khi ông Ty nuôi chúng đủ lông, chuẩn bị tập bay thì con bị lệch cánh, con vẹo cổ bay không được... Sau nhiều lần thất bại, ông rút ra kinh nghiệm nguồn thức ăn cho yến chưa phù hợp và cách thức nuôi dưỡng chưa đúng.
Tiếp tục tìm tòi, ông Ty may mắn tiếp cận được kỹ thuật của Công ty Yến sào Khánh Hòa. Năm 2018, ông đề xuất đề tài "Nghiên cứu và đề xuất giải pháp cứu hộ chim yến đảo Cù Lao Chàm tại hang Mũi Dứa", được sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Nam chấp thuận, cấp kinh phí triển khai.
Một trung tâm cứu hộ được xây dựng tại hang Mũi Dứa, thuộc đảo Hòn Lao, nơi tập trung rất nhiều cây dứa dại nằm treo trên mũi đá. Tổ chim yến nhân tạo làm từ miếng nhựa và lớp vải lót phía trong. Mỗi ngày, yến con rơi xuống được nhân viên đưa về đây chăm sóc, mỗi con nằm trong một tổ, cách nhau 15 cm.
Yến ăn ba bữa trong ngày, buổi sáng và chiều có bột ngũ cốc, dế, trứng gà, vitamin, kháng sinh trộn đều xay nhỏ. Khẩu phần buổi trưa bắt buộc có trứng kiến vàng, tỷ lệ một con ăn hết 14 gram.
Năm 2018, ông Ty cùng cộng sự triển khai mô hình cứu hộ 500 chim yến non rơi khỏi tổ, kết quả hơn 400 con sống và thả về tự nhiên. Năm 2019 và 2020, trung tâm cứu hộ hang Mũi Dứa thả về tự nhiên 650 chim, tỷ lệ cứu sống 80-90%. Ngoài trung tâm cứu hộ ban đầu ở hang Mũi Dứa, Ban quản lý đã tập huấn kỹ thuật cho nhân viên ở các hang Khô, Tò Vò, Cả.
Yến rơi khỏi tổ thường bị thương tật nên quá trình cứu sống không đơn giản. Phần nữa thức ăn không thể thiếu là trứng kiến vàng phải mua từ nơi khác, không mấy thuận lợi. "Dù khó khăn thế nào, chúng tôi cũng cố gắng cứu hộ hết chim yến gặp nạn. Vì chúng đã nuôi sống đội ngũ cán bộ, nhân viên hơn 80 người, nộp một khoản ngân sách cho địa phương", ông Ty nói.
Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, cách TP Hội An khoảng 15 km với bảy hòn đảo lớn nhỏ. Trên các đảo có 11 hang tự nhiên yến đến làm tổ. Từ năm 2012, sản lượng yến ở Cù Lao Chàm giảm sút 10% mỗi năm, đặc biệt năm 2021 giảm gần 30% so với cùng kỳ. Việc cứu hộ chim non gặp nạn là giải pháp tích cực để bổ sung hao hụt đàn yến hàng năm.
Từ những kết quả cứu hộ yến thành công, Ban Quản lý và Khai thác yến Cù Lao Chàm được cơ quan chức năng cho phép triển khai tiếp đề tài ấp nở và nuôi chim yến đảo nhân tạo trong hai năm 2021-2022. Mục tiêu là sớm phục hồi đàn yến đảo Cù Lao Chàm.