Tốt nghiệp khoa Chính trị - Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2003, thêm hai năm học văn bằng hai khoa Quan hệ Công chúng và quảng cáo, khi ra trường Tô Phúc Thịnh (sinh năm 1981) về làm giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây. Vài lần đi công tác nước ngoài như Hong Kong (Trung Quốc), Nhật, anh Thịnh bị thu hút bởi các sản phẩm được sáng tạo dựa trên nguyên liệu chính là tào phớ. Mỗi nơi lại có những vị riêng, và hoàn toàn khác với món tào phớ đơn giản tại Việt Nam.
"Với người Hà Nội, tào phớ luôn được gắn với hình ảnh của gánh hàng rong, nước đường thanh thanh và vị hoa nhài mát dịu. Tuy nhiên, thấy những món nước ngoài mới lạ, mình nảy ra ý tưởng, làm thế nào để vẫn giữ được nét truyền thống của món tào phớ nhưng lại khác biệt với các món cũ", anh Thịnh cho hay.
Sau khi về nước, Thịnh cùng một người bạn mày mò tìm tòi để mở cửa hàng dựa trên những điều đã thấy ở nước ngoài. Tuy nhiên, phải kết hợp với những gì để có sản phẩm phù hợp với gu ẩm thực của người Việt không phải điều dễ dàng.
“Mình không thể làm giống ở nước ngoài được vì nguyên liệu của họ khác, gu ẩm thực của họ cũng chẳng giống Việt Nam”, anh Thịnh lý giải.
Lúc này, anh cũng mạo hiểm quyết định từ bỏ công việc giảng viên. Với quyết tâm, đã mở là phải thành công nên anh cùng cộng sự nghiên cứu từ cách đặt biển hiệu, chọn slogan, bộ nhận dạng thương hiệu đến cách đặt tên món... Cửa hàng đầu tiên của Thịnh ra mắt năm 2010 với số vốn đầu tư khoảng 100 triệu đồng vay mượn từ người thân để trang trải tiền thuê cửa hàng, trang bị đồ đạc, thiết kế... Thời gian đầu mới hoạt động, Thịnh phải mày mò, tìm kiếm nguyên liệu, rồi tự tay chế biến và xây dựng thực đơn gồm những món như tào phớ mây xanh, tào phớ socola, tào phớ đốt cồn, tào phớ nha đam... Từ một giảng viên luôn chỉn chu, có lúc anh phải đi giao nhận hàng, chở đồ để tiết kiệm chi phí.
Sau này, Thịnh vẫn tự tay chọn các loại đỗ tương, nhập khẩu nguyên liệu để pha chế, có xưởng riêng để chế biến mọi công đoạn. Đa số anh giao cho nhân viên làm nhưng cũng có những việc vẫn đích thân ra tay. Anh cũng tâm niệm không chỉ giúp khách hàng thưởng thức qua vị giác mà còn bằng cả thị giác, vì vậy món ăn vừa ngon, vừa phải đẹp mắt.
Một thời gian sau, hệ thống cửa hàng Tofu của anh mở rộng, anh phát triển thêm hình thức nhượng quyền thương hiệu. Hiện ở Hà Nội anh quản lý 4 cửa hàng, còn 2 địa điểm đang kinh doanh dưới hình thức này. Tại các tỉnh, thành khác, như Huế, Quảng Trị, Thái Bình, TP HCM, Đà Lạt… đều có các cửa hàng nhượng quyền. Với hình thức này, trung bình mỗi tháng, một cửa hàng anh Thịnh thu về 4 đến 13 triệu đồng tiền nhượng quyền.
Riêng tại Hà Nội, trung bình mỗi ngày 4 cửa hàng do anh quản lý đón hàng trăm khách. Các sản phẩm có giá bán từ 15.000 đến 30.000 đồng, trong đó, chi phí nguyên liệu, nhân công, địa điểm... chiếm khoảng hai phần ba.
Tuy nhiên, theo anh Thịnh, kinh doanh các món quà vặt có một đặc thù là thường xuyên phải làm mới mình. Do đó, để có thể tồn tại được, phải liên tục cho ra đời các món mới.
“Nếu khách đông nhưng trong một thời gian dài, cửa hàng cũng như các món không có gì đổi mới thì khó kéo được khách đến lần thứ 3, thứ 4. Vì thế, phải luôn tạo được sự khác biệt”, anh Thịnh lý giải.
Ông chủ trẻ cùng các cộng sự cũng xác định chiến lược sẽ không cạnh tranh về giá mà phải luôn tạo ra sự mới mẻ. “Những sản phẩm của mình, có thể vài bữa sau sẽ có những cửa hàng ‘bắt chước’ làm lại và bán với giá thậm chí rẻ hơn. Chính vì thế, nếu không liên tục cho ra những sản phẩm mới thì mình sẽ tụt hậu và khó giữ được dấu ấn với khách hàng”, anh Thịnh chia sẻ.
Với quan niệm đó, tại mỗi cửa hàng, có khoảng 40 món khác nhau được sáng tạo dựa trên nguyên liệu chính là tào phớ. Và cứ trung bình một, hai tháng, các cửa hàng lại thêm một số món mới. Anh Thịnh ôm mộng có thể phát triển hệ thống ở tất cả các tỉnh thành và đưa sản phẩm này ra nước ngoài. Ngoài ra, anh cũng đang ấp ủ ý tưởng cho ra đời các sản phẩm dựa trên một loại nguyên liệu dân dã khác.
Ngọc Minh