Trong ngôi nhà ở trung tâm thành phố Vinh, hàng ngày ông Tỉnh tỉ mẩn lau chùi, nâng niu những món cổ vật xếp đầy trong tủ. Ông bảo đó là "những đứa con tinh thần ngày nào cũng muốn ngắm nhìn". Chưa có điều kiện lập bảo tàng tư nhân, ông luôn mở cửa tiếp những ai muốn tới tham quan, nghiên cứu.
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành thư viện, năm 1981 chàng trai Đào Tam Tỉnh về quê làm việc tại thư viện tỉnh Nghệ An. Tới năm 2008, ông giữ chức giám đốc thư viện và nghỉ hưu 6 năm trước. Say mê đọc sách từ bé, tới thời sinh viên, ông đã mê sưu tầm tem thư nhưng hoàn cảnh lúc đó khó khăn. Thú chơi cổ vật bén duyên từ ngày ông làm việc tại thư viện.
"Thư viện chứa kiến thức đồ sộ mà cả đời mình không đủ sức đọc hết tài liệu. Ngày đi làm, đêm tôi mượn thêm sách thư viện về đọc, ghi chép kiến thức cần thiết cho bản thân", ông Tỉnh nói, cho rằng chút lợi thế của bản thân là được làm việc đúng chuyên ngành đào tạo, thỏa sức phát huy năng lực.
Tranh thủ những ngày cuối tuần rảnh rỗi, ông một mình rong ruổi trên chiếc xe máy cà tàng hoặc những chuyến xe khách để tới các vùng quê khi hay tin ai đó đào được hũ tiền, cái bát, hay ghé qua những tiệm đồng nát để mua lại đồ vật đã vứt đi. Có hôm thấy những món đồ đẹp, nhưng tiền lương chắt bóp không đủ nên ông lại xin khất nợ chủ vựa đồng nát đến cuối tháng mới trả.
Có chủ vựa đồng nát nhiều lần bán hàng cho ông Tỉnh, về sau sinh nghi là thứ quý nên giữ lại, hoặc tăng giá khiến ông không thể mua. Ông Tỉnh chia sẻ, chơi đồ cổ đòi hỏi đam mê, "nó là thứ bỏ đi của người này, nhưng lại là tài sản vô giá của người kia". Ông chơi cổ vật không phải để thương mại mà mục đích muốn sưu tầm, tìm hiểu về giá trị, văn hóa, con người qua các giai đoạn lịch sử.
Một lần đi chơi cùng bạn ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), lúc vào quán cơm bình dân ăn trưa, ông Tỉnh ghé nhà bếp, thấy ba chiếc bát có hình hoa văn bắt mắt nên hỏi mua, gia chủ bán hơn 40.000 đồng. Mua xong ba chiếc bát, ông tiếp tục mua ba củ khoai lang cũng ngay tại cửa hàng này với giá 45.000 đồng.
Đến lúc ra về, ông bật mí với bạn bè đã mua được ba chiếc bát quý rẻ hơn ba củ khoai. Về sau ba chiếc bát được xác định là bát gốm Chu Đậu, vẽ thuyền rồng, phượng, thuộc loại quý hiếm. Nhiều người khi biết tin này đã tới trả cả chục triệu đồng, song ông từ chối.
Hơn 20 năm sưu tầm, hiện ông Tỉnh sở hữu hơn 3.000 đồ vật ở nhiều lĩnh vực và hầu hết thời kỳ lịch sử. Nổi bật là hai bộ Văn phòng tứ bảo với các vật dụng chính gồm: Bút, nghiên, mực, giấy, sách đèn..., tất cả có niên đại thời Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn và đều được tìm thấy trên vùng đất Nghệ An và Hà Tĩnh.
"Việc sưu tập văn phòng tứ bảo giúp cho thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống hiếu học của con người Xứ Nghệ từ xa xưa", ông Tỉnh nói. Nhằm giúp nhiều người có điều kiện chiêm ngưỡng, vài tháng trước ông đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Nghệ An trưng bày sản phẩm này tại khuôn viên bảo tàng.
Nguyên Giám đốc thư viện Nghệ An cũng dành nhiều năm nghiên cứu về lịch sử, địa lý, văn hóa con người xứ Nghệ để viết sách. Nổi bật như sách Khoa bảng Nghệ An; Di sản Văn hóa xứ Nghệ; Kênh nhà Lê Lịch sử và Huyền thoại; Tìm trong di sản Văn hóa xứ Nghệ được nhiều người xem là nguồn tư liệu quý. Ngoài ra, ông Tỉnh còn đứng chung với nhiều tác giả ở các cuốn khác với chủ đề về văn hóa, con người, tổng cộng gần 20 cuốn.
Hiện nay, ông Đào Tam Tỉnh là Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa cổ vật sông Lam; Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An. Ông đã tặng cho Bảo tàng Nghệ An, Bảo tàng Xô Viết, Bảo tàng Quân sự Việt Nam và Bảo tàng Báo chí cách mạng Việt Nam nhiều hiện vật quý giá nhằm phục vụ việc việc trưng bày và nghiên cứu.
Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, cho biết ông Đào Tam Tỉnh say mê nghiên cứu văn hóa xứ Nghệ, từng giành ba giải thưởng báo chí khoa học và công nghệ Nghệ An 2016 với tác phẩm Nghề khắc mộc bản và kho di sản mộc bản xứ Nghệ; giải C giải thưởng văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương năm 2016 với tác phẩm Sắc phong Nghệ An...