Ngày 21/6, ông Chuyển, 57 tuổi, bị TAND TP Cần Thơ xét xử sơ thẩm lần hai về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Bị truy tố cùng tội danh có 4 bị cáo là cấp dưới của ông Chuyển và 10 người thuộc nhóm doanh nghiệp. Trong đó, bị cáo Nguyễn Hùng Cường và Nguyễn Công Trừng đều là em của ông Chuyển.
Trước đây, các bị cáo thuộc nhóm doanh nghiệp bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau nhiều năm tòa hủy án, điều tra bổ sung, họ bị cáo buộc tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng với vai trò giúp sức cho cựu giám đốc Chuyển.
Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định, từ năm 2011 đến 2014, 6 nhóm khách hàng gồm: Nam Sông Hậu, Trường Nguyên, Thép Đông Dương, An Đô, Du lịch Đại Dương và Cơ khí Tây Đô, do Cường, Huy và một số người khác làm chủ, kinh doanh thua lỗ. Do không có tiền trả nợ gốc và lãi cho Vietcombank Tây Đô nên Huy, Cường và những người này đề nghị Giám đốc Nguyễn Minh Chuyển cho khoanh nợ, giãn nợ, bán tài sản để trả nợ.
Ông Chuyển sợ phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến ngân hàng và uy tín cá nhân, cũng như việc đảo nợ chưa có quy định hình thức xử lý cụ thể, nên đề nghị em trai là Nguyễn Hùng Cường (chủ nhóm khách hàng Nam Sông Hậu) tiếp nhận Công ty TNHH Thủy sản Vĩnh Nguyên (do Lê Tùng Huy làm Giám đốc) gánh khoản nợ 146,5 tỷ đồng của công ty này cho VCB Tây Đô.
Giám đốc Chuyển còn đề nghị Cường cùng một số nhóm khách hàng khác lập mới các công ty hoặc sử dụng pháp nhân chưa có quan hệ tín dụng tại VCB Tây Đô để cho vay. Tiền vay được, Cường và những người này sử dụng vào việc đảo nợ và một phần cho doanh nghiệp duy trì hoạt động.
Đến giữa năm 2015, 6 nhóm khách hàng này còn dư nợ gốc và lãi quá hạn hơn 2.600 tỷ đồng. Trong đó, hơn 2.418 tỷ đồng được trả cho các khoản vay cũ và cho khách hàng rút hơn 278 tỷ đồng phục vụ sản xuất, ngân hàng không thu hồi được.
Nhà chức trách xác định, ông Chuyển là người chủ mưu, cầm đầu đã chỉ đạo các thành viên hội đồng tín dụng cơ sở và cán bộ các phòng nghiệp vụ làm hồ sơ trái quy định, hợp thức hóa khoản vay cho các nhóm khách hàng doanh nghiệp trên. "Các bị cáo là cán bộ của ngân hàng đã không tuân theo các thủ tục quy định về việc cho vay của Ngân hàng Nhà nước, không kiểm tra tính hợp lệ và xác thực của hồ sơ vay, thẩm định qua loa... dẫn đến việc doanh nghiệp không có khả năng trả nợ", cáo trạng nêu.
Hành vi của ông Chuyển và đồng phạm đã gây thiệt hại cho VCB Tây Đô hơn 278 tỷ đồng. Đến nay, các bị cáo đã khắc phục được hơn 70 tỷ đồng...
Tháng 6/2019, TAND TP Cần Thơ đã xét xử sơ thẩm lần đầu, tuyên phạt ông Chuyển 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng. 10 bị cáo thuộc nhóm doanh nghiệp bị cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, giữa năm 2019, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm, tuyên hủy án điều tra xét xử lại do còn nhiều vấn đề chưa làm rõ, tòa cấp sơ thẩm "có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm".
Quá trình điều tra lại, cơ quan tố tụng khởi tố thêm 4 người là cựu cán bộ của Vietcombank Tây Đô.
Cửu Long