Mức án được VKSND Hà Nội nêu trong bản luận tội, công bố sáng 15/3. Ông Hùng cùng 7 cựu đồng nghiệp tại BIDV bị truy tố về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tại chi nhánh Thành Đô, bà Lưu Thị Bích Thủy (cựu phó giám đốc) bị đề nghị 7-8 năm; Nguyễn Văn Hà (cựu phó trưởng phòng tín dụng) 5-6 năm tù; Phạm Anh Tài (cựu trưởng phòng tín dụng) và Lại Minh Ngọc (cựu trưởng phòng thẩm định) từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm 6 tháng.
Ông Lê Vũ Thanh (cựu giám đốc BIDV chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh) và cấp dưới Đỗ Xuân Khoan (cựu phó phòng tín dụng) cùng bị đề nghị 30-36 tháng tù treo.
Trong vụ án, ông Hùng bị cáo buộc đề xuất cho Kenmark (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) vay vốn, không để ý đến chỉ đạo của Hội Sở mà vẫn giải ngân, gây thất thoát 181 tỷ đồng. Ông giữ vai trò và trách nhiệm chính, cao hơn các bị cáo còn lại.
Hành vi của 7 bị cáo bị VKS nhận định "đặc biệt nguy hiểm cho xã hội", khi không đánh giá đúng nguy cơ rủi ro, không đánh giá đúng năng lực của doanh nghiệp cần vay vốn. Song các bị cáo không tư lợi, chỉ là "để đảm bảo lợi ích chung của ngân hàng và mang lại lợi ích cho cán bộ nhân viên".
Về dân sự, cơ quan công tố đề nghị các bị cáo cùng Công ty Kenmark và ông Bùi Văn Bổn (cựu giám đốc BIDV Bắc Kạn) liên đới bồi thường dư nợ gốc hơn 178 tỷ đồng. VKS ghi nhận 7 bị cáo đã bồi thường hơn 3,3 tỷ đồng, riêng ông Hùng nộp một tỷ đồng.
Tại phần xét hỏi hôm qua, các bị cáo đều thừa nhận có "một phần lỗi" trong sai phạm gây thiệt hại chung 360 tỷ đồng, song đều làm việc "vô tư, không động cơ vụ lợi".
Cựu giám đốc Hùng khẳng định bên vay khi đó là doanh nghiệp quốc tế uy tín, có "công ty mẹ hùng mạnh, hoạt động khắp thế giới". Trong khi công ty bảo lãnh khoản vay cũng là doanh nghiệp nước ngoài tầm cỡ, nổi tiếng, doanh thu 100 triệu USD mỗi năm.
Xuất phát từ sự tin tưởng này, tổ thẩm định do bà Bích Thủy làm tổ trưởng, bị cáo buộc đã làm không đúng quy trình chuyên môn, bỏ qua thẩm định năng lực tài chính bên vay, không kiểm tra, làm rõ mâu thuẫn, chênh lệch số liệu tài chính của Kenmark.
Bà Thủy nói phạm tội do nhận thức chưa được đầy đủ, "lần đầu tiên cho vay một khách hàng là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chưa có kinh nghiệm nên không đánh giá hết được rủi ro và các biện pháp hạn chế".
Trong khi đó, cấp dưới của bà, ông Hà cho rằng với doanh nghiệp nước ngoài, rất khó đánh giá năng lực, không có cơ sở đánh giá nên tổ thẩm định "thống nhất bỏ qua bước này".
Bị VKS đánh giá "rõ ràng là làm không đúng quy định, chứ không phải năng lực yếu kém, phải phân biệt rõ thế", ông Hà bào chữa "cơ bản bị cáo đã làm đúng". VKS truy vấn: "Thế nội dung nào thì chưa cơ bản". Ông Hà không trả lời được.
Kenmark phụ thuộc chủ sở hữu là công ty Cheermaster, bị Trung tâm Thông tin tín dụng ngân hàng nhà nước (CIC) đánh giá "chỉ số rủi ro cao", không tồn tại văn phòng hoạt động. Giấy phép thành lập được sử dụng với mục đích miễn trừ thuế, song lại được BIDV đồng ý làm bảo lãnh cho khoản vay lên tới 68 triệu USD của Kenmark.
Theo lý giải của ông Hà, việc bảo lãnh không có tài sản đảm bảo thực ra là "thông lệ bình thường của các ngân hàng, chỉ thể hiện thiện chí. Hơn nữa, việc nhận tài sản đảm bảo nước ngoài chưa có thông lệ, rất khó khăn".
Tháng 2/2008-5/2010, Kenmark được giải ngân hơn 52 triệu USD và hơn 57 tỷ đồng. Song đầu tháng 6/2010, Kenmark thông báo tạm dừng hoạt động, người đại diện pháp luật xuất cảnh khỏi Việt Nam khi doanh nghiệp mới cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật của 13/27 nhà xưởng.
Kenmark được nhà chức trách xác định không có khả năng trả 360 tỷ đồng, được xác định là thiệt hại tại vụ án. Riêng dư nợ không thu hồi được tại BIDV là hơn 7,8 triệu USD (hơn 180 tỷ đồng).
Đại diện Kenmark: "Chúng tôi thừa năng lực"
Tại tòa, đại diện Kenmark Việt Nam cho hay Kenmark là công ty đầu tư đa quốc gia, cực kỳ có uy tín, nhiều chi nhánh tại Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc, Australia...
Khi đầu tư vào Việt Nam, Kenmark tìm hiểu rất kỹ và dồn hết tâm huyết, tiềm lực kinh tế vào đầu tư khu công nghiệp Việt Hòa tại Hải Dương vì tin tưởng môi trường đầu tư ổn định, công bằng, thuận lợi, nhiều ưu đãi. Theo bà, đây là dự án đa quốc gia, đầu tư rất kỹ, "không bao giờ lỗ được".
"Cái ngành đấy lúc đó nó 'hot' lắm, nếu không phải vì khủng hoảng kinh tế, chúng tôi không bao giờ có hậu quả như vậy. Kenmark chỉ là nạn nhân của khủng hoảng tài chính", bà phân trần.
Với quy kết không đủ năng lực tài chính thực hiện dự án, vị đại diện nêu, căn cứ hợp đồng tín dụng với BIDV, họ thực tế đã góp vốn đầu tư nhiều hơn so với quy định. Cụ thể, hợp đồng chỉ yêu cầu Kenmark góp 30%, song họ đã góp tới 34%.
Về việc không trả được nợ, đại diện Kenmark phân trần khi khủng hoảng tài chính toàn cầu, họ xin miễn lãi, gia hạn trả nợ, "không hề bỏ trốn hay bùng". Bà cáo buộc BIDV bán tài sản của Kenmark để thanh lý và thu hồi nợ là vô lý và "sẵn sàng kiện lại".
Trả lời VKS sau đó, phía BIDV khẳng định toàn bộ quá trình thu giữ tài sản bảo đảm của Kenmark và bán đấu giá tài sản này phù hợp quy định pháp luật và thỏa thuận các bên tại hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp.
Ngày 22/12/2016, UBND Hải Dương đã tổ chức họp, có cá thành phần đại diện vụ quản lý các khu kinh tế, vụ pháp chế bộ Kế hoạch và Đầu tư, các sở ban ngành tỉnh. "Tại thông báo kết luận cuộc họp đã khẳng định, quá trình BIDV thu giữ tài sản đảm bảo tuân thủ pháp luật", đại diện BIDV khẳng định và cho hay "sẵn sàng hầu tòa nếu Kenmark kiện".
Phiên tòa đang tiếp tục làm việc, dự kiến kéo dài nhiều ngày.
Thanh Lam