Trưa 5/4, phiên xử Nguyễn Văn Tùng (46 tuổi, nguyên giám đốc Công ty Hùng Thanh - chủ đầu tư chung cư Carina) và Nguyễn Quốc Tuấn (Trưởng ban quản lý) về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy tiếp tục với phần thẩm vấn.
Cáo trạng xác định, Tùng được Ban quản lý chung cư thông báo về tình trạng hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động không hoạt động nhưng không triển khai sửa chữa, thay thế. Việc không trang bị đầy đủ phương tiện PCCC trước khi bàn giao chung cư cho phía công ty quản lý vận hành (Công ty SEJCO) cũng như đôn đốc công ty này thực hiện đúng các nội dung trong hợp đồng là không đảm bảo yêu cầu về PCCC.
Trả lời HĐXX, bị cáo Tùng nói không phạm tội như cáo trạng truy tố, cho rằng không tham gia bàn giao hệ thống PCCC tại chung cư Carina bởi việc này diễn ra từ năm 2016, đến năm 2017 mình mới làm Giám đốc Công ty Hùng Thanh. Do đó, bị cáo chỉ nhận bàn giao từ giám đốc tiền nhiệm và tiếp tục thực hiện hợp đồng mà chủ đầu tư đã ký với Công ty SEJCO trước đó.
Nguyên giám đốc Công ty Hùng Thanh thừa nhận bản thân không có chuyên môn nên thực tế đã không kiểm tra hệ thống PCCC mà dựa hoàn toàn vào báo cáo của Công ty SEJCO - đơn vị chịu trách nhiệm vận hành chung cư, trong đó có cả hệ thống PCCC. Khi bị cáo phát hiện SEJCO thực hiện không đúng hợp đồng về công tác đảm bảo phòng cháy, an ninh... đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu chấn chỉnh.
"Theo quy định của pháp luật, vận hành chung cư là trách nhiệm của ai?", chủ tọa hỏi, Tùng không trả lời. Chủ tọa phân tích, trách nhiệm vận hành chung cư trong đó có hệ thống báo cháy là của chủ đầu tư. Chủ đầu tư đã thuê công ty khác để vận hành thì vẫn phải có trách nhiệm kiểm tra. Nếu công ty vận hành làm không được thì chủ đầu tư có thể thuê người khác. Trong khi đó, đại diện Công ty Hùng Thanh còn tháo cả hệ thống PCCC cho người khác mượn để đối phó với cơ quan chức năng.
Tùng cho rằng việc này không ảnh hưởng đến công tác PCCC, song cho biết có nhận được các biên bản báo cáo về thực trạng hệ thống báo cháy tại chung cư hư hỏng nhưng không được SEJCO đề xuất khắc phục. Bản thân mình và vợ con cũng là cư dân của Carina, nên luôn mong muốn đem lại đời sống tốt nhất cho cư dân.
"Bị cáo không có động cơ gì để làm sai dẫn đến vụ cháy, vì toàn bộ hư hỏng của chung cư không phải lấy tiền của bị cáo, hay tiền của công ty, mà là tiền cư dân đóng. Do đó, những đề xuất của SEJCO bị cáo chưa bao giờ từ chối, không có lý do gì để không chấp nhận đề xuất sửa chữa", Tùng trả lời.
Trả lời thẩm vấn sau đó, bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn thừa nhận quá trình kiểm tra đã phát hiện hệ thống báo cháy không đảm bảo, có báo cho lãnh đạo Công ty SEJCO nhưng chưa nhận được ý kiến chỉ đạo. "Thời điểm đó bị cáo mới về nhận nhiệm vụ Trưởng ban quản lý chung cư được 20 ngày, chưa kịp báo cáo và đề xuất với chủ đầu tư thì xảy ra vụ cháy", Tuấn khai.
Cáo trạng xác định, ông Tuấn với tư cách Trưởng ban quản lý chung cư, biết rõ tình trạng hệ thống PCCC không hoạt động nhưng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, không kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư thay thế, sửa chữa nhằm khắc phục, vận hành hoạt động báo cháy, chữa cháy và cứu hộ. Ngoài ra, việc không đóng cửa thang bộ thoát hiểm đã khiến khói độc theo đó lên các tầng trên làm nhiều người chết và bị thương - thuộc trách nhiệm của Ban quản lý.
Về việc cửa thoát hiểm của chung cư đều mở khi xảy ra hỏa hoạn, Tuấn nói đây là trách nhiệm của bảo vệ, phải kiểm tra, chứ bình thường cửa này luôn đóng.
Vụ hỏa hoạn thảm khốc bắt nguồn từ tia lửa nhỏ phát ra từ chiếc xe Attila để dưới hầm chung cư Carina lúc 1h15 ngày 23/3/2018. 8 phút sau, hệ thống chiếu sáng khu vực tầng hầm bị tắt, lửa bùng lên dữ dội, cháy lan các xe máy và ôtô để trong hầm. Khói, khí nóng và khí độc theo buồng thang thoát hiểm dẫn lên các tầng trên chung cư.
Hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động không hoạt động. Lửa càng lúc càng lớn, kéo dài hơn 13 phút nữa vẫn không có nhân viên bảo vệ hay bất kỳ người nào phát hiện. Từ đây, đám cháy lan ra các hướng rồi bùng lên phía trên cùng khói độc khiến 13 người chết, 72 người bị thương, hơn 500 xe máy, 81 ôtô... bị thiêu rụi.
Hải Duyên