Chiều 17/4, trong phiên xét xử vụ án vi phạm quy định đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội, ông Tuấn nhanh chóng thừa nhận cáo buộc Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 222 Bộ luật Hình sự, nói "nhận thức được sai phạm". Tuy nhiên, ông khẳng định không vụ lợi, không được thoả thuận ăn chia gì từ việc chênh giá.
Ông khai chủ trương "cho một số doanh nghiệp ký gửi vật tư cho bệnh viện sử dụng trước" rồi hợp thức hóa thủ tục đấu thầu sau, có từ trước khi ông chuyển về đây làm giám đốc. Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, với các mặt hàng "truyền thống, bệnh viện đã dùng nhiều năm", ông chỉ đạo cấp dưới mua bằng hoặc thấp hơn giá các năm trước đó.
Thời gian này, theo ông, chưa có cơ sở xác định giá chính xác, bệnh viện chỉ đối chiếu giá các năm trước và giá các bệnh viện khác đã mua. Ông thừa nhận việc này là sai, nếu khi đó "so sánh với bảng giá thị trường sẽ không phát sinh sai phạm".
Lần đấu thầu năm 2016, ông Tuấn bị cáo buộc chỉ định thầu rút gọn, áp dụng kết quả đấu thầu năm trước, giúp Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hoà Phát trúng 4 gói thầu vật tư năm 2017 mà không cần đấu thầu lại.
Khai tại tòa về quyết định này, ông Tuấn trình bày năm 2017, Hà Nội chủ trương đấu thầu tập trung song quá trình này diễn ra rất chậm. Vật tư dùng cho năm 2017, về nguyên tắc phải được đấu thầu xong trong quý I/2017, nhưng thực tế, mãi cuối năm 2017 mới có kết quả đấu thầu.
"Nếu đợi kết quả đấu thầu tập trung thì cả năm 2017, bệnh viện coi như không có vật tư, như thế sẽ phải đóng cửa. Bệnh viện từ đó mới có chủ trương "vay" trước hai công ty này để dùng, phục vụ bệnh nhân", ông Tuấn khai.
Ông nói do thiếu vật tư mà Hà Nội vẫn chưa thể đấu thầu tập trung nên đã gửi văn bản báo cáo Sở Y tế, Sở Tài chính Hà Nội và Trung tâm mua sắm công đề xuất chỉ định thầu khẩn cấp, áp dụng kết quả đấu thầu năm 2016. Trong các văn bản, ông Tuấn đã gửi kèm chi tiết số lượng vật tư còn trong kho, số lượng "vay mượn", số lượng đã sử dụng, dự kiến cần mua... để nêu rõ tình hình thiếu thốn này.
"Cho dù vật tư thiếu, nhu cầu chữa bệnh cấp thiết, nhưng việc mượn vật tư của doanh nghiệp để dùng trước là sai quy định. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm", bị cáo Tuấn nói tại TAND Hà Nội.
Đề cập đến hai cựu chủ tịch công ty Hoàng Nga và Kim Hoà Phát, ông Tuấn dành lời cảm ơn đã giúp bệnh viện có vật tư "mà không cần biết có thu được tiền hay không", nhờ đó bác sĩ có thể kịp thời khám chữa cho bệnh nhân.
"Tôi không nghĩ việc vay mượn vật tư, xin hai công ty hỗ trợ bệnh viện lại liên luỵ đến họ", ông Tuấn trầm giọng, một lần nữa khẳng định không tư lợi.
Năm bị cáo là cựu cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội trong phiên toà hôm nay đều thừa nhận hợp thức hoá hồ sơ từ khâu lập báo giá, chọn đơn vị thẩm định giá, lập hồ sơ đấu thầu và suốt quá trình chấm thầu, thực hiện hợp đồng. Họ thực hiện theo phân công của cấp trên và giám đốc Tuấn, không được hưởng lợi ích vật chất.
Bị cáo Phạm Huy Lập, cựu Giám đốc Công ty Hoàng Nga, thừa nhận doanh nghiệp hoạt động kiểu công ty gia đình, kinh nghiệm non trẻ, nhận thức pháp luật hạn chế. Với nỗ lực bán sản phẩm, ông đã không nhận thức được sai phạm cho đến khi bị bắt và được cơ quan tố tụng phân tích.
Trong vụ án, con gái ông là bị cáo Phạm Thị Kim Oanh (cựu Kế toán trưởng công ty Hoàng Nga) và con rể là bị cáo Nguyễn Đức Đảng (cựu Chủ tịch HĐQT công ty Hoàng Nga) cũng bị truy tố.
Trong phần trả lời trước đó, cựu Chủ tịch công ty Kim Hoà Phát, bị cáo Phan Tuấn Đạt, cho hay quen ông Tuấn do là bạn cùng trường đại học. Năm 2015, biết được mặt hàng tốt, tính năng ưu việt và được quốc tế công nhận, ông Đạt giới thiệu với ông Tuấn, nói "nếu thấy hợp lý thì đưa vào bệnh viện sử dụng", không đưa ra yêu cầu về giá.
Bệnh viện Tim Hà Nội sau đó đề nghị công ty này ký gửi vật tư để bệnh viện sử dụng trước. Ông Đạt cho rằng lỗi sai của mình là đồng ý với chủ trương này, song khi đó không nhận thức ra đây là việc làm sai quy định về đấu thầu thiết bị y tế.
Bị cáo nói "chưa đồng ý hoàn toàn" với kết luận định giá do Hội đồng định giá tài sản Bộ Y tế đưa ra, nhưng nhận thức mình làm sai nên khắc phục toàn bộ hậu quả, 6,6 tỷ đồng, là phần chênh lệch Kim Hoà Phát được hưởng từ các hợp đồng đấu thầu sai.
Sáng nay, Hội đồng định giá tài sản Bộ Y tế vắng mặt tại toà. Theo nguyện vọng của các luật sư, HĐXX cho hay sẽ tiếp tục triệu tập đơn vị này nếu phát sinh tình tiết cần làm rõ trong quá trình xét xử. Theo các kết luận do Hội đồng này đưa ra, các vật tư y tế trong vụ án đã bị thông đồng thổi giá lên 2-20 triệu đồng mỗi sản phẩm.
Để hợp thức hồ sơ thầu mua vật tư này, nhà chức trách cáo buộc ông Tuấn cùng cấp dưới đã lợi dụng quyền hạn, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu. Sai phạm được xác định từ khâu lập hồ sơ thầu, đơn giá, chủng loại đến việc ban hành chứng thư thẩm định giá.
Theo cáo trạng, hành vi sai phạm của 12 bị cáo diễn ra với 5 gói thầu giai đoạn năm 2016-2017. Công ty Hoàng Nga tham gia và trúng 5 gói thầu các thiết bị như stent, dụng cụ thả dù, dù đóng ống động mạch... Công ty Kim Hòa Phát trúng 4 gói thầu gồm 400 stent và một số vật tư khác.
VKS xác định hành vi của ông Tuấn và các bị can đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 53,6 tỷ đồng. Trước phiên xét xử, các bị cáo đã khắc phục tổng hơn 21 tỷ đồng, trong đó riêng ông Tuấn 6,23 tỷ đồng.
Sáng mai, VKS công bố bản luận tội.
Thanh Lam