Ngày 13/6, ông Nguyễn Minh Quân (51 tuổi, cựu giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức) bị TAND TP HCM xét xử về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Phạm Vũ Phong (Giám đốc Công ty Nam Phong); Trương Thị Bảo Trân (nhân viên vật tư trang thiết bị y tế); Mai Lệ Quyên (kỹ thuật viên trưởng Khoa Vi sinh); Nguyễn Lan Anh (cựu phó giám đốc Bệnh viện Thủ Đức) bị cáo buộc vai trò đồng phạm của ông Quân, hoặc phạm tội Nhận hối lộ, Đưa hối lộ.
Liên quan đến vụ án, Vũ Đình Hiệp (nguyên phó tổng giám đốc Công ty Việt Á) đã bị TAND Hà Nội tuyên 15 năm tù; Lê Trung Nguyên (nhân viên kinh doanh) bị phạt 30 tháng tù trong vụ án của Công ty Việt Á.
Đây là vụ án thứ hai về sai phạm của ông Quân trong quá trình điều hành hoạt động Bệnh viện Thủ Đức. Hôm 17/5, ông Quân bị TAND Cấp cao tại TP HCM bác đơn xin giảm nhẹ hình phạt, tuyên y án sơ thẩm 21 năm tù về tội Tham ô tài sản và Rửa tiền.
Trả lời thẩm vấn của tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Với vai trò đứng đầu bệnh viện, ông Quân nhận đã sai khi ký các hợp đồng đấu thầu với Công ty Việt Á mà không kiểm tra lại, tin tưởng hoàn toàn cấp dưới. Bị cáo xin toà xem xét bối cảnh phạm tội là lúc Covid-19 hoành hành, Bệnh viện Thủ Đức phải tiếp nhận số lượng bệnh nhân rất lớn trong khu vực TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai.
"Trong khi đó nếu đấu thầu phải mất 3 tháng mới xong hợp đồng. Bệnh viện không mượn trước kit test của Công ty Nam Phong thì không thể xét nghiệm cho bệnh nhân", ông Quân nói.
Theo cáo trạng, đầu năm 2021 Covid-19 bùng phát, Bệnh viện Thủ Đức có nhu cầu xét nghiệm gấp nên Trương Thị Bảo Trân đã liên hệ Công ty Việt Á để đặt hàng kit test. Lê Trung Nguyên giới thiệu kit xét nghiệm do công ty này sản xuất, đồng thời giới thiệu bạn thân là Phạm Vũ Phong sử dụng pháp nhân công ty đứng ra bán kit cho bệnh viện. Phong sau đó đã mua 1.500 test từ Việt Á giao cho Bệnh viện Thủ Đức.
Về sau, ông Quân với vai trò Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức đã ký các quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu là Công ty Việt Á và Công ty Nam Phong khi chưa thẩm định hồ sơ yêu cầu; đóng mở thầu; thẩm định hồ sơ đề xuất của nhà thầu, đề xuất phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; ký hợp đồng mua bán với Phó giám đốc Công ty Việt Á... Thực chất việc thực hiện các gói thầu này chỉ là để hợp thức hóa hồ sơ để thanh toán tiền kit test đã mua trước đó mà không xem xét năng lực, kinh nghiệm nhà thầu. Trong đó, ông Quân và đồng phạm đã thực hiện hồ sơ một gói thầu chào hàng cạnh tranh, 4 gói thầu chỉ định rút gọn và 33 gói chỉ định thầu mua kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất từ Công ty Nam Phong.
Nhà chức trách xác định, kit test do Công ty Việt Á sản xuất (đã bao gồm 5% lợi nhuận) có giá tối đa 143.461 đồng/kit nhưng ông Quân và các cán bộ cấp dưới đã ký duyệt mua với giá 470.000-509.000 đồng. Tổng cộng, Bệnh viện TP Thủ Đức đã thanh toán cho Công ty Việt Á và Công ty Nam Phong hơn 24,9 tỷ đồng, trong khi giá thực tế chỉ hơn 9,9 tỷ đồng, gây thiệt hại gần 15 tỷ.
Cơ quan công tố xác định, bị cáo Phong dù biết công ty của mình hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, không đủ tính hợp lệ của nhà thầu trong việc cung ứng thiết bị y tế nhưng vẫn gian dối, thông thầu trong việc bán kit test cho Bệnh viện Thủ Đức. Công ty Nam Phong hưởng lợi hơn 10,5 tỷ đồng trong phi vụ này. Phong đã đưa cho Trương Thị Bảo Trân hơn 997 triệu đồng tiền "hoa hồng" để được hoàn thiện hồ sơ thanh toán tiền mua kit xét nghiệm.
Bị cáo Trân là người có vai trò chính trong vụ án, đã soạn thảo, hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu sai quy định để Bệnh viện TP Thủ Đức thanh toán tiền mua kit xét nghiệm cho Việt Á và Nam Phong. Trước khi bị khởi tố, bị cáo đã nộp lại số tiền đã nhận từ Phong.
Trưởng khoa vi sinh Mai Lệ Quyên là người quyết định lựa chọn kit xét nghiệm và hóa chất của Công ty Việt Á để Bệnh viện Thủ Đức đấu thầu dẫn đến thiệt hại. Quyên đã nhận 100 triệu đồng tiền bồi dưỡng từ Lê Trung Nguyên thông qua tài khoản của chồng. Quá trình điều tra bị cáo thành khẩn khai báo, tự nguyện nộp lại tiền nhận hối lộ.
'Lo chống Covid, không có thời gian xem giấy tờ đấu thầu'
Là Phó giám đốc Bệnh viện Thủ Đức, bà Nguyễn Lan Anh bị xác định thời điểm đó đã ký 8 hợp đồng mua bán với Công ty Nam Phong, trị giá hơn 4,3 tỷ đồng, theo uỷ quyền của Giám đốc Quân; gây thiệt hại cho Bệnh viện TP Thủ Đức hơn 3,1 tỷ đồng.
Tại tòa, bà Lan Anh xin xem xét vụ án diễn ra trong hoàn cảnh rất đặc biệt, Bệnh viện Thủ Đức phụ trách 7 bệnh viện dã chiến, mỗi bệnh viện có hàng nghìn bệnh nhân. Lúc đó nhu cầu xét nghiệm vô cùng lớn, trong khi tất cả các nơi đều từ chối cung cấp kit test.
"Bị cáo ký hợp đồng chỉ với mục đích để bệnh nhân được mau khỏi bệnh, việc chống dịch ở thành phố sớm thành công, chứ không tư lợi cá nhân", bà Lan Anh nói, thêm rằng bản thân có nhiệm vụ phụ trách nhiều bệnh viện dã chiến nên không có thời gian để xem xét đầy đủ giấy tờ đấu thầu.
Trả lời thẩm vấn của tòa, Phạm Vũ Phong khai Công ty Nam Phong hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nhưng trong mùa dịch "thấy bà con đau khổ, nên chuyển qua cung cấp kit test làm từ thiện giúp đỡ cộng đồng". Chủ toạ hỏi: "Bị cáo làm từ thiện ở chỗ nào, trong khi thu lợi nhuận riêng về cho công ty?". Phong cúi đầu ấp úng, nói "đã biết sai" và xin giảm nhẹ "vì trong mùa dịch đã làm từ thiện rất nhiều".
Với vai trò bị hại trong vụ án, phía Bệnh viện Thủ Đức đề nghị tòa xác định giá trị thực của các gói thầu để thu hồi hoàn trả lại cho đơn vị số tiền thất thoát.
Sau một ngày xét xử, chiều nay, VKS đánh giá hành vi của ông Quân và các bị cáo khác gây hậu quả nghiêm trọng, song ghi nhận họ có nhiều thành tích trong công tác chống dịch cùng nhiều tình tiết giảm nhẹ khác. Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Quân mức án 12-13 năm tù; Phong 19-21 năm tù. Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 6 đến 16 năm tù.
HĐXX sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 18/6.
Hải Duyên - Trọng Nghĩa