Hành vi của ông Quân và Nguyễn Văn Lợi (Giám đốc Công ty Nguyễn Tâm - một trong các doanh nghiệp "sân sau" của Quân) được nêu trong cáo trạng VKSND Tối cao vừa hoàn tất, chuyển cùng hồ sơ cho TAND TP HCM để đưa ra xét xử về tội Tham ô tài sản và Rửa tiền.
Liên quan vụ án, Nguyễn Trần Ngọc Diễm, vợ ông Quân cũng bị truy tố về tội Rửa tiền. Các bị cáo Trần Hậu Nghĩa (Giám đốc Công ty thiết bị y tế Hải Đăng) và 5 người của Bệnh viện Thủ Đức là Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Lan Anh (cựu phó giám đốc), Ngô Trương Ngọc Bích (nguyên trưởng phòng vật tư), Đặng Thị Hiên (nguyên kế toán trưởng), Nguyễn Huy Việt (cựu nhân viên phòng vật tư) bị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ năm 2016 đến năm 2020, Bệnh viện TP Thủ Đức đã tổ chức đấu thầu 31 gói mua sắm trang thiết bị y tế, phục vụ khám chữa bệnh. Trong đó có 28 gói đã phê duyệt kết quả trúng thầu hoàn thiện việc thanh toán với tổng giá trị hơn 346 tỷ đồng. Để can thiệp thâu tóm toàn bộ các gói thầu này, ông Quân đã chỉ đạo Lợi thành lập 4 công ty "sân sau" thuê và nhờ người thân đứng tên.
Theo cáo trạng, khi tham gia đấu thầu trang thiết bị y tế vào bệnh viện, ông Quân chỉ đạo Lợi giao cho nhân viên lập các hợp đồng mua bán khống, lòng vòng giữa các công ty "sân sau" để nâng giá thiết bị máy móc cao hơn giá thị trường. Tiếp đó, Quân chỉ đạo Lợi sử dụng 3 công ty để nộp hồ sơ dự thầu với giá máy móc thiết bị đã được nâng khống. Lợi chỉ đạo Nghĩa cố tình làm một hồ sơ có tiêu chí tốt hơn 2 hồ sơ còn lại, mục đích để một công ty trúng thầu.
Tại Bệnh viện Thủ Đức, ông Quân thành lập tổ mua sắm do Ngô Trương Ngọc Bích, Nguyễn Huy Việt và Đặng Thị Hiên phụ trách. Hàng năm, giám đốc ký quyết định thành lập các tổ thực hiện hoạt động đấu thầu cho đủ thành phần, thủ tục theo quy định của pháp luật từ khâu lập dự toán đến tổ chức mời thầu, chấm thầu, ký hợp đồng... Quân giao cho Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Lan Anh đều là Phó giám đốc Bệnh viện Thủ Ðức làm tổ trưởng. Thực chất, các tổ đấu thầu không hoạt động theo quyết định được phân công, chỉ ký hoàn thiện, hợp thức hồ sơ. Các nhân viên bệnh viện biết rõ nhóm công ty dự thầu đều là "sân sau" của ông Quân nhưng vẫn làm theo chỉ đạo.
Kết quả điều tra xác định, 4 công ty do Lợi quản lý đã trúng thầu 27/28 gói với tổng giá trị hơn 345 tỷ đồng. Lợi đã chỉ đạo nhân viên chuyển cho vợ chồng Quân, Diễm hơn 103 tỷ đồng là số tiền nâng khống giá thiết bị y tế (30%-50%) từ 27 gói thầu.
Để che giấu nguồn tiền đã chiếm đoạt, Quân chỉ đạo Lợi rút tiền mặt, chuyển khoản vào tài khoản của mình và vợ hoặc tài khoản của các công ty mà vợ chồng Quân mua nhà đất. Trong đó, vợ chồng Quân sử dụng tiền chiếm đoạt được mua mua căn biệt thự du lịch nghỉ dưỡng thuộc một dự án ở Nha Trang; biệt thự thuộc Dự án Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son; bất động sản ở TP Thủ Đức; 2 ôtô sang...
Nhà chức trách đánh giá, tại cơ quan điều tra, ông Quân chưa thành khẩn khai báo, đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới nên cần xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.
Đối với bà Diễm, tuy không quản lý hoạt động kinh doanh nhưng khi bệnh viện chuyển tiền cho các công ty đã yêu cầu Lợi chuyển tiền cho mình. Bà này đã nhận tổng cộng gần 68 tỷ đồng từ Lợi để mua các bất động sản...
Ngoài vụ án này, ông Quân còn bị cáo buộc về hành vi vi phạm đấu thầu liên quan mua kit xét nghiệm Covid của Việt Á, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.
Năm 2021, 2022, khi đang đương nhiệm Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức, ông Quân bị Bộ Công an điều tra các sai phạm, nên đã 8 lần chi tổng cộng hơn 3,7 triệu USD để "chạy án". Trong vụ án này, 6 người bao gồm hai cựu cán bộ của C03 Bộ Công an đã bị xét xử, riêng ông Quân được xác định là "chủ động khai báo trước khi bị phát giác" nên được miễn trách nhiệm hình sự.
Hải Duyên