Khi tham gia buổi lễ tốt nghiệp "đặc biệt" tại một trung tâm cai nghiện vào năm 2018, nữ thạc sĩ quyết định gắn bó với công việc giảng dạy tại đây. Sau nhiều năm quan sát cuộc sống của những người nghiện ma túy, chị nhận thấy họ phải vật lộn với nhiều nghề để tái hòa nhập xã hội.
Không ít người muốn hoàn lương song không kiếm được việc bởi sự phân biệt đối xử nặng nề từ xã hội, ít ai dám tuyển dụng, bản thân họ cũng thiếu kỹ năng làm việc.. Hệ quả là những người này rất dễ tái nghiện do chán chường và và không tự chủ được cộng sống. Họ lặp lại vòng đời cũ: tái nghiện và cai nghiện.
Chị Phương cho rằng cách duy nhất để phá vỡ vòng lặp này là cho họ sự độc lập tài chính, đứng trên đôi chân của mình. Từ đó, họ có thể chăm sóc cho bản thân và gia đình. "Đây cũng là bước quan trọng để ngăn họ tái nghiện và khi đó, họ không còn là gánh nặng của xã hội", chị khẳng định.
Có nhiều dịp về các tỉnh ven sông Hồng, chị Phương chứng kiến cây sậy chiếm đất canh tác của nông dân. Người dân thường xuyên phải xử lý tình trạng này bằng cách đốt bỏ. Tuy nhiên, với sức sống mạnh mẽ, cây có thể mọc lại chỉ sau một cơn mưa. Chị trăn trở việc làm thế nào để tận dụng được loài cây dại này.
Cũng như khi tiếp xúc với người cai nghiện, nữ thạc sĩ luôn đau đáu làm thế nào để giúp người nghiện có thu nhập, ổn định cuộc sống sau khi ra khỏi trung tâm cai nghiện. Quá trình học tập tại Anh đã giúp chị có tư duy mở. Thay vì "có gì trong tay mới làm", chị xác định tầm nhìn và cố gắng triển khai trong thực tiễn từng bước hiện thực hóa kế hoạch.
Sau hơn một năm nghiên cứu, tháng 4/2020, chị phát triển một mô hình kinh doanh bền vững, dựa trên sức mạnh cộng đồng đã học được tại Anh: sản xuất và phân phối ống hút thân thiện với môi trường, làm từ sậy.
Công ty TNHH Mana.st thành lập sau đó không lâu. Lực lượng lao động đầu tiên chị nghĩ đến là những thành viên cai nghiện. Họ sẽ tham gia sản xuất ống hút và thu mua sậy từ người nông dân. Như vậy, người nghiện có thể tự lập tài chính, đồng thời, người nông dân cũng có thêm thu nhập. Mana.st vẫn duy trì dạy văn hóa cho người cai nghiện vào mỗi thứ 7 hàng tuần. Đây cũng là một trong những điều khó khăn nhất khi triển khai dự án này.
Sử dụng ma túy một thời gian dài, đầu óc của người cai nghiện kém minh mẫn hơn. Do đó, công ty phải triển khai song song phương pháp phục hồi tư duy để có thể làm việc cùng công việc của một doanh nghiệp thông thường.
Làm việc cùng người cai nghiện, chị và các cộng sự hiểu cần sự kiên trì, nhẫn nại. Theo chị, việc họ khó bỏ thuốc hay phải cần dạy đi dạy lại rất nhiều lần đều đòi hỏi ở giáo viên đức tính này. Ví dụ, khi làm việc, giáo viên nhất định không nhắc tới quá khứ của họ, bởi đó là điểm yếu của người cai nghiện.
"Khi nói chuyện, chúng tôi cần trao hy vọng và ước mơ về tương lai. Bởi khi chính họ muốn đổi đời, họ mới có thể đi lâu dài. Nếu không xuất phát từ bản thân, dù có dỗ dành, họ cũng không chịu", chị nói thêm.
Mana.st không chỉ dạy đơn thuần, doanh nghiệp trao cho người cai nghiện cơ hội mở xưởng, làm chủ cơ sở sản xuất thay vì tiếp tục phụ thuộc vào gia đình. Nữ lãnh đạo cũng chuyển giao công nghệ sản xuất, bộ nhận diện thương hiệu theo chuỗi miễn phí. "Tôi muốn giúp người cai nghiện tự sống trên đôi chân của mình", chị nói.
Sau gần một năm vận hành, tuy chịu ảnh hưởng của Covid-19, Mana.st vẫn có 8 công nhân kỳ cựu, chấp nhận làm việc "ba tại chỗ" khi đợt dịch bùng phát. Đồng thời, công ty cũng ký kết hợp tác cùng 4 trung tâm khác để hỗ trợ nhiều người cai nghiện hơn.
Các sản phẩm từ cây sậy đã xuất khẩu sang Bắc Mỹ, Hàn Quốc. Doanh nghiệp đang đàm phán với Tây Ban Nha, Ba Lan. Từ 7/2021, toàn châu Âu cấm lưu hành chế phẩm nhựa dùng một lần, dẫn tới sự thiếu hụt lớn. Do đó, chị Phương tận dụng điều này để đưa sản phẩm dùng một lần, thân thiện với môi trường vào thị trường.
"Chúng tôi có thế mạnh là thuế suất đặc biệt 0%, không gặp phải rào cản về thuế nhập khẩu kể cả trong và ngoài nước", chị chia sẻ. Mana.st còn sản xuất ống hút sậy cho trẻ em với công nghệ phủ nano và sữa đã đạt chứng nhận kiểm định SGS.
Chính hành trình đồng hành, thấu hiểu và tạo cơ hội làm chủ cuộc sống cho hàng trăm người cai nghiện, ban giám khảo của Alumni Award 2021-2022 đánh giá cao các hoạt động của Mana.st bởi tác động sâu sắc tới xã hội và môi trường.
Ông Nguyễn Trung Dũng - Tổng giám đốc BK Holdings chia sẻ, thành viên Hội đồng giám khảo của Alumni Awards ông chú trọng đến ý tưởng của thí sinh ảnh hưởng đến xã hội như thế nào. Tất cả là việc suy nghĩ sáng tạo và bước ra khỏi vùng an toàn.
Chia sẻ tại lễ trao giải diễn ra tối 18/3, ThS Đinh Thúy Phương cho biết, Đại học Northamton đã góp phần giúp chị có được những thành tựu như hiện tại. "Trải nghiệm học tập tại Anh đã giúp tôi mở ra chân trời mới và mong rằng nhiều cuộc đời khác cũng được thay đổi", bà khẳng định.
Không chỉ sản xuất ống hút không vi nhựa, Mana.st có nhiều kế hoạch hướng tới giải quyết hai vấn đề khác: tái tạo thổ nhưỡng và góp phần giúp Việt Nam tiến tới mục tiêu "phát thải ròng bằng 0".
Thứ nhất, việc thu mua sậy giúp người nông dân tăng thêm thu nhập từ rác thải - tro đốt rác thải. ThS Đinh Thúy Phương cho biết, Việt Nam có thể tận dụng mọi bộ phận của một cây sậy: rễ có thể làm thuốc, thân làm sản phẩm xanh hay dùng lá làm trà. Hơn hết, ngành công nghiệp này không tạo khói, bụi hay phải dùng tới xăng.
Thứ hai, cây sậy còn có thể cải tạo lại đất, ngay cả đất đã nhiễm kim loại nặng. Cựu du học sinh Anh lấy ví dụ mỏ quặng tại Thái Nguyên đã "hồi sinh" sau khi trồng sậy trên vùng đất này.
Mới đây, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã tặng cho chị 6 ha đất ruộng bỏ hoang để cải tạo đất. Nhờ đó, người nông dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ đây. Bên cạnh đó, Mana.st cũng đang thương thảo với VPMilk để cải tạo một ngọn núi tại Đơn Dương, Lâm Đồng. Do xây dựng khu nghỉ dưỡng, buộc chặt bỏ cây, doanh nghiệp này muốn trồng sậy để chống xói mòn và giữ nước.
Không giống như loại sậy lai tạo dùng để sản xuất ống hút, cây thu hoạch từ mục đích tái tạo thổ nhưỡng sẽ được sử dụng làm các sản phẩm xanh như bàn, ghế...
Nhật Lệ