Trở lại hội nhập bóng đá khu vực từ năm 1989 nhưng phải đến SEA Games 18 tại Chieng Mai (Thái Lan), đội tuyển nam của Việt Nam mới tạo được dấu ấn đầu tiên. Khoảnh khắc tiền đạo Trần Minh Chiến ghi bàn thắng quý như vàng ở hiệp phụ của trận bán kết gặp Myanmar, với pha bắt vô-lê cháy lưới đối thủ khi cái chân vẫn còn băng trắng vì chấn thương từ vòng bảng. Đó là bàn ấn định tỷ số 2-1, giúp tuyển Việt Nam giành suất dự chung kết. Để thua Thái Lan trong trận tranh HC vàng nhưng chiến công năm ấy đã mở ra một thời kỳ mới cho bóng đá Việt Nam ở sân chơi khu vực (trận đấu cuối cùng này Minh Chiến không thi đấu vì chấn thương).
Cặp tiền đạo Trần Minh Chiến - Lê Huỳnh Đức khi đó thăng hoa trong màu áo CA TP HCM lẫn tuyển Việt Nam. Nếu Huỳnh Đức là cầu thủ giỏi chơi đầu, tỳ đè tốt, Minh Chiến lại là mẫu tiền đạo xuất sắc trong các pha băng cắt, với những pha ghi bàn kiểu "xe đạp chổng ngược" sở trường.
Chỉ có điều, chân sút họ Trần không có được sự ổn định, thăng hoa như chiến hữu Huỳnh Đức. Sau phút giây huy hoàng trên đất Thái Lan, Minh Chiến dính chấn thương dây chằng đầu gối. Trải qua bốn lần phẫu thuật, anh mất dần đi sự nhanh nhẹn, sắc bén ngày nào. Năm 22 tuổi, Minh Chiến giã từ sự nghiệp dù có được phong độ ấn tượng trước thềm Tiger Cup 1996.
"Phải giã từ sân cỏ giữa lúc đỉnh cao, tôi sốc lắm", Trần Minh Chiến chia sẻ quá khứ cùng VnExpress. "Nhưng sự thật tàn nhẫn trước mặt khiến tôi không thể không chấp nhận. Lúc rảnh rỗi, không có việc gì làm, tôi thường ghé quán điện tử gần nhà để tìm quên nỗi nhớ trái bóng. Lúc ấy, tôi để ý đến cô chủ quán xinh đẹp, ăn nói có duyên. Mến người đẹp từ lần đầu tiếp xúc, qua tìm hiểu mới biết nhà cô ấy cạnh nhà. Rồi từ đó tôi bắt đầu kế hoạch làm quen, lân la tiếp cận".
Bà xã Trần Cẩm Uyên cũng chia sẻ hồi mới quen, chị chẳng biết Minh Chiến là cầu thủ nổi tiếng cả nước. Chỉ sau khi mấy lần đi ăn uống với người yêu, thấy người hâm mộ tới chào rồi xin chữ ký, chị mới biết Minh Chiến là "người của công chúng". Trải qua hai năm thử thách, cựu tiền đạo sinh năm 1974 đưa nàng về dinh trong sự chúc phúc gia đình, bạn bè hai bên.
Cưới nhau được 12 năm, Minh Chiến chia sẻ vợ chồng anh đã đủ nếp, đủ tẻ. Anh cũng chuyển sang công tác đào tạo trẻ tại Quỹ đầu tư bóng đá PVF từ năm 2009. Minh Chiến nói, nghề HLV bóng đá trẻ tuy không giàu cũng đủ cho hai vợ chồng vượt qua những thời điểm khó khăn trong cuộc sống.
"Tôi tâm niệm có cháo ăn cháo, có rau ăn rau. Nghiệp huấn luyện viên đội trẻ ăn vào máu rồi, và tôi cũng chỉ muốn vợ ở nhà chăm sóc con cái. Vì đó mới là vốn quý báu nhất của chúng tôi. Cũng có nhà riêng ở quận Tân Bình (TP HCM), nhưng cả gia đình lên thuê căn phòng tại Trung tâm huấn luyện Thành Long để sinh sống. Chỗ đi làm cách xa nhà đến 20 km lại đủ thứ cản trở nên vợ chồng tôi quyết định như thế".
"Cũng muốn làm thêm kiếm tiền nuôi vợ con, nhưng công việc quản lý đội U17 PVF khiến tôi quá bận bịu. Một ngày làm việc của tôi kéo dài từ 8h sáng đến 18h chiều. Thời gian ít ỏi còn lại là dành cho gia đình, bè bạn nhưng tôi hài lòng với những gì đang có. Quan trọng là tôi có môi trường thoải mái làm việc, có người thân xung quanh nên thấy quá vui rồi", chân sút sinh ở TP HCM tâm sự.
Quỹ đầu tư bóng đá PVF, bên cạnh Minh Chiến, còn là mái nhà của một loạt cựu danh thủ khác như Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Văn Hạnh... đứng lớp đào tạo các cầu thủ năng khiếu. Riêng Minh Chiến, anh có quyền tự hào khi lứa học trò của mình từng vô địch U13 quốc gia 2010, U15 quốc gia 2011 và gần nhất là HC bạc U17 toàn quốc 2013.
Anh Tuấn