Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Bill Richardson trả lời phỏng vấn của báo chí tại sân bay Bắc Kinh hôm nay, trước khi lên đường tới Triều Tiên. Ảnh: AFP |
"Đây là một sứ mệnh nhân đạo cá nhân, không liên quan tới chính phủ Mỹ", AFP dẫn lời ông Richardson, người đồng thời là cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc và cựu thống đốc bang New Mexico, nói tại sân bay ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, ngay trước khi lên máy bay. Chiếc phi cơ sau đó cất cánh muộn 90 phút.
"Chúng tôi sẽ tới Bình Nhưỡng, có thể ở lại hai ngày rưỡi. Chúng tôi có khả năng sẽ đi ra bên ngoài thành phố này. Chúng tôi sẽ làm rõ khi tới nơi", ông Richardson cho biết thêm.
Kenneth Bae, một công dân Mỹ gốc Triều Tiên, đang bị giam giữ tại Triều Tiên. Con trai của ông này đã liên lạc với Richardson để yêu cầu sự giúp đỡ. Bae, người bị bắt tháng 11/2012, đã vào Triều Tiên trong tư cách khách du lịch. Theo truyền thông Triều Tiên, người này sau đó đã thừa nhận phạm tội chống lại quốc gia láng giềng của Hàn Quốc.
Trong quá khứ, Triều Tiên đã đồng ý chuyển giao những người bị bắt giữ cho các phái đoàn cao cấp được dẫn đầu bởi những người như cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton. Một số nhà quan sát cho rằng Bình Nhưỡng có thể đã yêu cầu sự tham gia của Schmidt, chủ tịch điều hành của Google, trong vụ việc của Bae.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ sự quan ngại về chuyến đi của chủ tịch điều hành Google và cựu thống đốc Richardson, cho rằng đây không phải là thời điểm phù hợp, bởi nó diễn ra ngày sau khi Triều Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa gây nhiều tranh cãi hồi tháng trước.
Ông Richardson đã tới Triều Tiên nhiều lần trong hai thập kỷ qua và từng tham gia thương lượng việc phóng thích các công dân Mỹ bị giam giữ ở nước này. Hôm 4/1, ông nói với CNN rằng hy vọng sẽ gặp được một số quan chức cấp cao ở Triều Tiên, dù việc tiếp xúc với nhà lãnh đạo Kim Jong-un là không dễ dàng. Hồi năm 2010, Richardson có chuyến thăm gần nhất tới Triều Tiên và gặp người thương thuyết hàng đầu về hạt nhân của nước này, trong nỗ lực nhằm giảm căng thẳng sau khi Bình Nhưỡng nã pháo lên một hòn đảo tiền tiêu của Hàn Quốc.
Cựu đại sứ Mỹ ở Liên Hợp Quốc cũng bày tỏ hy vọng rằng chuyến đi sẽ diễn ra tích cực và bác bỏ các quan ngại của Washington. Richardson cũng cho biết chuyến đi từng một lần bị hoãn theo yêu cầu của chính phủ Mỹ và Bộ Ngoại giao nước này không nên lo lắng. Theo Richardson, cả ông và Schmidt sẽ tới Triều Tiên với tư cách cá nhân, chứ không đại diện cho chính phủ Mỹ hay Google.
Cùng góp mặt trong chuyến đi là những người thân cận lâu dài với Richardson về vấn đề Triều Tiên, như K.A. "Tony" Namkung và Jared Cohen, giám đốc Google Ideas, cùng một số nhân viên khác.
Nolan Barkhouse, phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, hôm qua cho biết chuyến đi của ông Richarson không liên quan tới chính phủ Mỹ. "Họ sẽ không truyền đạt bất cứ thông điệp nào từ chính phủ Mỹ", Barkhouse nói. "Cũng không có bất cứ quan chức Mỹ nào đi cùng họ".
Khi được hỏi về chuyến đi nói trên, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nói ngắn gọn: "Chúng tôi lưu tâm tới các tin tức báo chí liên quan".
Nhật Nam