Sáng 20/11, phiên tòa xử đường dây đánh bạc trực tuyến tiếp tục với phần thẩm vấn ông Nguyễn Thanh Hóa. Ông Hoá khai làm Cục trưởng C50 từ năm 2011. Ông đánh giá cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh là "người quyết đoán, có tự trọng cao, dám nghĩ dám làm". "Tôi rất kính trọng anh ấy", ông nói trước toà.
Ông Hoá khai quen Nguyễn Văn Dương trong một lần đi lễ chùa, biết là người rất thân với Giám đốc Công an tỉnh Nam Định.
"Ai là người đề xuất Nguyễn Văn Dương thành lập CNC?", chủ toạ hỏi. Ông Hóa giải trình: "Khi tôi được phân công về C50, quân số chỉ 30 người. Cả nước chưa có lực lượng nào. Chức năng của C50 là phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao song chưa có chế tài, chỉ có 5 điều trong Bộ luật Hình sự mà chưa có hướng dẫn. Chúng tôi chưa bắt được vụ nào".
Ông được một thứ trưởng (đã mất) gọi lên hỏi Cục có chức năng lập công ty bình phong phải không, rồi nói "cho thằng cháu anh về đó làm". "Tôi nói cháu anh không có khả năng làm doanh nghiệp được thì anh nói có Dương ở UDIC được không. Tôi nói vâng nhưng sau đó lãng quên vì không mặn mà", ông Hoá khai.
Sau đó gặp Dương ở hành lang trụ sở Tổng cục Cảnh sát (40 Hàng Bài, Hà Nội), ông Hoá được ông Vĩnh giới thiệu "Dương ở UDIC, rất yêu công nghệ". Ông Vĩnh nói Dương lập công ty bình phong và bảo ông Hoá làm tờ trình.
Ông Hoá nói lúc đó không hiểu gì về công ty bình phong nên giao trưởng phòng tham mưu tìm hiểu ở tất cả các đơn vị đã thành lập. Cấp dưới báo cáo: Bộ không có quy định về việc xây dựng này, song có ba loại hình: bỏ tiền ra lập, đóng góp tiền liên danh liên kết, dùng sản phẩm trí tuệ của mình.
"Tôi hỏi sản phẩm trí tuệ là gì? Anh nói ta có thể đưa ra sản phẩm chống virus cho công ty bình phong", ông Hoá khai về cuộc nói chuyện với cấp dưới.
"Ai là người ký tờ trình 1068 thành lập công ty nghiệp vụ?", chủ toạ hỏi. Ông Hóa thừa nhận mình ký, giải thích đó là xin thành lập công ty bình phong. Văn bản 1185 ngày 11/9/2011 gửi Tổng cục phó Nguyễn Tiến Lực cũng là ông Hóa ký, về việc C50 đóng góp 20% vốn vào CNC.
Không có tiền phải ký bản ghi nhớ
Chủ tọa truy vấn vì sao ký hai văn bản cùng một ngày song lại có hai hình thức vốn khác nhau. Ông Hóa khai ban sáng nghĩ góp trí tuệ, sau thấy mình không có đội ngũ trí tuệ thì thay đổi chuyển sang góp tiền.
Về việc ký bản với CNC vào ngày 10/10/2011, ông Hóa nhấn mạnh là ghi nhớ không phải thỏa thuận, "chỉ là dạm ngõ, không thể đi khắp nơi nói đó là cô dâu của mình". C50 ký ghi nhớ để khi nào có điều kiện về vốn thực hiện. Theo bản ghi nhớ C50 sẽ góp 20% vốn và cử người tham gia.
Bản ghi nhớ này, theo ông Hóa vì chưa hình dung được hình thức công ty thế nào nên bước đầu chỉ ghi nhớ, đặt chỗ chứ chưa có liệu lực. Theo đó, C50 được 20% lợi nhuận của CNC.
Theo ông Hoá, CNC hoạt động theo luật doanh nghiệp, chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật. C50 chỉ hóa trang nghiệp vụ khi cần thiết, chỉ sử dụng Dương khi cần. C50 không bao giờ hướng dẫn Dương điều tra tội phạm. "Nhiều người nghĩ đây là công ty bình phong nhưng không là gì cả chỉ là phục vụ cho công an", ông khai.
Cũng vì lý do này, ông Hóa cho rằng không cần xin phép Tổng cục 3 về việc công nhận CNC là công ty bình phong.
Ông Hóa và cấp dưới đổ lỗi cho nhau
Chủ tọa công bố lời khai của cán bộ C50 tên Lục với cơ quan điều tra rằng cựu cục trưởng C50 biết sự hợp tác giữa CNC và C50 từ lâu. Ông Hóa còn bắt cấp dưới này đánh máy về nội dung game đánh bạc đã được cấp phép. Khi ông Lục có ý kiến thì ông Hóa nói "mày biết gì".
Nói về nhận văn bản yêu cầu báo cáo, điều tra dấu hiệu đánh bạc của game bài Rikvip do Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương ký vào giữa năm 2016, ông Hóa chùng giọng nói: "Đây là văn bản sự nghiệp của tôi, cũng là lý do đứng trước tòa, điều day dứt hai năm nay".
Ông Hóa khẳng định không can thiệp việc các cơ quan chức năng kiểm tra game đánh bạc Rikvip vì cũng không biết việc đó, Dương cũng không báo cáo những việc nhỏ như vậy. "Từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ can thiệp vào việc người khác làm, nhất là cấp dưới đã làm", ông khai.
Bảo Hà - Phạm Dự