Chiều 19/7, ông Hùng, 61 tuổi, là người cuối cùng bị xét hỏi trong vụ sản xuất 27.000 sách giáo khoa giả, với cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu đồng để bao che cho doanh nghiệp sai phạm.
Mở đầu phần trả lời thẩm vấn, ông Hùng nói "vô cùng ngạc nhiên khi bị vu khống", trong khi không có mâu thuẫn.
"Không mâu thuẫn gì, sao họ lại khai bị cáo nhận 300 triệu đồng?", chủ tọa ngắt lời. Ông Hùng đáp do "người đang mắc tội nhưng lại muốn thoát tội nên mới vu khống, bịa đặt".
Ông Hùng khai thời điểm bị bắt đang là Tổ trưởng 304 thuộc Tổng cục trưởng Quản lý thị trường, Bộ Công Thương. Ông có thẩm quyền tiếp nhận thông tin, chỉ đạo các cục nghiệp vụ triển khai các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.
Sáng 8/7/2020, ông Hùng trực tiếp nhận nguồn tin từ NXB Giáo dục Việt Nam đề nghị kiểm tra đột xuất một kho hàng nghi có nhiều sách giả. Sau khi trực tiếp cùng đi kiểm tra, ông Hùng chỉ đạo Cục quản lý thị trường Hà Nội cùng Đội Quản lý thị trường số 17 vào cuộc xử lý.
Kết quả, hơn 27.000 quyển sách giáo khoa giả được phát hiện tại Công ty Phú Hưng Phát do Cao Thị Minh Thuận làm giám đốc.
"Khi phát hiện thông tin về sách giả, sao bị cáo không báo cáo cấp trên?", chủ tọa hỏi. Ông Hùng cho rằng "tất cả phải làm bí mật, tuyệt đối bí mật, bởi lộ ra là hỏng". Hơn nữa, ông còn dặn khi nào bắt quả tang mới kiểm tra và báo cáo triển khai tiếp.
Ông Hùng khai ngay buổi chiều hôm kiểm tra, Giám đốc Thuận đã tiếp cận để "xin xỏ" nhưng ngay lập tức bị từ chối. "Tôi nói luôn là không xin được", cựu cục phó khai.
Đến sáng 13/7/2020, ông Hùng được bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) liên hệ để xin chỉ đạo xử lý nhẹ. "Tôi nói thẳng với Hải là Thuận cũng gọi rồi, nhưng không xin được. Tôi còn bảo Hải, cứ dặn Thuận có gì khai đấy, đúng theo quy định pháp luật mà làm. Bởi thế Hải mới là người chạy án, bao che cho Thuận", ông Hùng đang định trình bày tiếp thì chủ tọa ngắt lời, nhắc "hỏi đến đâu trả lời đến đấy". Trong hơn 30 phút xét hỏi, chủ tọa hơn 10 lần nhắc ông Hùng như vậy.
"Bị cáo không đồng ý thì tại sao ngày 15/7 Hải lại mang tiền đến", HĐXX truy vấn. Cựu cục phó quản lý thị trường khai Hải tự đến chứ "không mời". Tại phòng làm việc lúc đó còn có hai người khác, Hải nói Thuận biếu tổ công tác mấy trăm triệu.
"Tôi chỉ thẳng tay vào mặt Hải mắng luôn, mày định hối lộ tao à, có muốn báo công an không... Sau đó, tôi đuổi Hải ra khỏi phòng làm việc", ông Hùng nói lớn giọng và cho hay "suốt 10 năm công tác, không ai buôn bán hàng giả có thể mua chuộc được tôi".
Cuối phần xét hỏi, ông khẳng định "bị oan", cả kết luận điều tra và cáo trạng truy tố ông đều sai sự thật. Ông lẽ ra cần được biểu dương thành tích chống hàng giả chứ không phải bị xử lý như bây giờ. "Chẳng ai có thể mua chuộc được tôi cả", lần thứ hai ông Hùng nhắc lại câu này.
Đối chất sau đó, bị cáo Hải phản bác lời khai của ông Hùng. Hải cho hay sáng 14/7/2020, Hải gặp ông Trần Hùng cùng hai người khác ở quán cà phê trên đường Nguyễn Xí. Tại đây, Hải đặt vấn đề "Thuận xin bỏ qua vụ việc và sẽ gửi 400 triệu đồng cảm ơn".
"Lúc đó anh Hùng còn cười rất to, sảng khoái và vỗ mạnh vào đùi nói: Chúng mày đã thấy bọn nhà sách giàu chưa. Hơn nữa, anh Hùng đồng ý và hẹn thì bị cáo mới cầm tiền lên tận phòng, chứ không phải tự ý lên", Hải khai trước toà.
Theo cáo trạng, sau khi phát hiện 27.300 cuốn sách giáo khoa giả, bà Thuận với Nguyễn Duy Hải nhờ ông Hùng "tha" với điều kiện sẽ chi 400 triệu đồng. Sau cuộc trao đổi với Hải, ông Hùng "hướng dẫn thay đổi lời khai về nguồn gốc", chuyển thành sách do người khác mang đến ký gửi. Tiếp nhận ý kiến của ông Trần Hùng, Hải thông qua một người khác trao đổi lại với bà Thuận.
Sáng 15/7/2020, Hải cầm 300 triệu đồng của Thuận đựng trong túi nilon màu đen đến phòng làm việc ông Hùng. Tại đây, Hải gọi điện thoại cho bà Thuận để nói chuyện trực tiếp với ông Hùng, nghe cụ thể hướng dẫn.
Do trong phòng có hai người khác, Hải cầm túi tiền ra về. Chiều hôm sau, bị cáo này cầm 300 triệu đồng quay lại phòng làm việc đưa cho ông Hùng.
Ngoài việc hướng dẫn bà Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách, ông Hùng còn gọi điện thoại chỉ đạo Lê Việt Phương, Đội phó Quản lý thị trường 17, "tạo điều kiện giúp đỡ Thuận" theo hướng xử lý hành chính. Căn cứ kết quả thực nghiệm, nội dung dữ liệu trích xuất từ điện thoại đã "đủ cơ sở chứng minh ông Hùng đã nhận 300 triệu đồng" của bà Thuận, thông qua Hải, theo VKS.
Ông Hùng bị xét xử về tội Nhận hối lộ; Nguyễn Duy Hải, lao động tự do, bị xét xử về tội Môi giới hối lộ. Bị cáo Lê Việt Phương cùng hai cấp dưới Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Thuận cùng 30 người bị xét xử về các tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.
Phiên tòa sáng mai tiếp tục làm việc.
Phạm Dự - Thanh Lam