Chiều 9/6, bà Hạnh và các cựu cán bộ Cục Thuế TP HCM bị TAND TP HCM thẩm vấn về hành vi Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong vụ án này, Trịnh Tiến Dũng (50 tuổi, đã bỏ trốn) là chủ mưu, thực hiện hàng loạt sai phạm. Dũng chỉ đạo đồng phạm thực hiện các hoạt động kinh doanh phi pháp thông qua Công ty Thuduc House để được hoàn thuế trái quy định, chiếm đoạt hơn 365 tỷ đồng của Nhà nước.
Là người có chức vụ cao nhất, bà Hạnh được xác định ký các quyết định hoàn thuế cho Thudu House trong 15 kỳ (từ tháng 4/2018 đến tháng 6/2019) trái quy định, gây thất thoát hơn 331,4 trong số 365 tỷ đồng bị Dũng chiếm đoạt.
Trả lời HĐXX, bà Hạnh nhỏ giọng thừa nhận hành vi, cho biết: "Trong công việc bị cáo luôn giải quyết theo lương tâm và trách nhiệm, không có vụ lợi. Lúc này bị cáo được phân công công việc quá nhiều, lại còn đi học, nên đã để xảy ra sơ suất, mong HĐXX xem xét". Bà Hạnh không trình bày gì thêm.
Trước đó, Trần Thị Thúy Nga (cựu cán bộ Phòng Pháp chế) cũng thừa nhận sai phạm "do có phần chủ quan". Bị cáo đã thẩm định 12 đề xuất trình duyệt hoàn thuế cho Thuduc House, tổng số tiền hơn 169 tỷ đồng.
Nga khai, khi thấy Thuduc House có số thuế hoàn tăng đột biến nên đề xuất chưa đủ điều kiện "hoàn thuế trước, kiểm tra sau". Tuy nhiên, khi trình lên cấp trên thì bà Hạnh đề nghị trao đổi lại phòng pháp lý để xem cơ sở vững chưa, tránh kiện tụng. "Sau đó, Trưởng phòng, Phó phòng thẩm định, bị cáo xem lại và thấy không có cơ sở pháp lý nên lập lại văn bản thẩm định theo hướng đồng ý với đề xuất hoàn thuế của Thuduc House", Nga nói.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Hòa Bình (công chức Phòng Kê khai kế toán) khai, quá trình xem xét hồ sơ bị cáo từng kiến nghị lãnh đạo xem xét lại và cảnh báo rủi ro hoàn thuế. Tuy nhiên, do không có chỉ đạo từ lãnh đạo nên đã tiếp tục đề xuất hoàn thuế. "Nếu yêu cầu dừng lại mà không đủ cơ sở sẽ bị chế tài, khiếu nại, tố cáo, bồi thường thiệt hại", Bình lý giải, đồng thời cho rằng cũng do chính sách thuế suất 0% khuyến khích cho hoạt động xuất khẩu linh kiện nên bị doanh nghiệp lợi dụng.
Bình bị cáo buộc đề xuất hoàn thuế 15 kỳ thuộc diện "hoàn thuế trước, kiểm tra sau" cho Thuduc House, gây thất thoát cho Nhà nước 331 tỷ đồng.
Cơ quan công tố xác định, Thuduc House có số tiền hoàn thuế tăng đột biến, doanh nghiệp bên mua và bán có quan hệ liên kết. Bởi thế, theo quy định, toàn bộ hồ sơ hoàn thuế phải thuộc diện "kiểm tra trước, hoàn thuế sau". Tuy nhiên, các cán bộ Cục Thuế TP HCM đã không tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý thuế; không đối chiếu số liệu, báo cáo dấu hiệu bất thường trong các bộ hồ sơ; không tổ chức thanh tra để phát hiện sai phạm, vẫn thực hiện "hoàn thuế trước khi kiểm tra".
Cục phó Nguyễn Thị Bích Hạnh được phòng chuyên môn báo cáo về dấu hiệu rủi ro nhưng đã "chậm trễ trong tổ chức thực hiện". Từ đó, Cục Thuế tiếp tục hoàn thuế GTGT cho Thuduc House.
Bà Hạnh và hơn chục cán bộ cấp dưới đã vi phạm quy định của Luật Quản lý thuế trong việc ký duyệt đề xuất hoàn thuế, thẩm định hồ sơ hoàn thuế, thanh tra sau hoàn thuế... Sai phạm của bà và các cán bộ Cục Thuế TP HCM đã để cho Dũng chiếm đoạt hơn 365 tỷ đồng tiền thuế GTGT thông qua Thuduc House.
Liên quan đến vụ án, 7 người thuộc Cục Hải quan TP HCM và 42 người khác bị truy tố về một trong các tội: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí; Buôn lậu; Vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nhận hối lộ; Sản xuất, buôn bán hàng giả; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị khởi tố về 5 tội danh, song Dũng đang bỏ trốn nên Bộ công an tách ra thành vụ án khác để điều tra khi bắt được.
Kết thúc ngày làm việc thứ ba, HĐXX đã thẩm vấn xong 67 bị cáo. Dự kiến ngày 12/6, tòa sẽ bước vào phần thẩm vấn đối với người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Hải Duyên