Kết quả chụp cắt lớp vi tính hôm 28/9 cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết não dưới nhện lan tỏa 2 bán cầu, có nhiều máu cục trong rãnh Sylvius kèm theo phù não lan tỏa bán cầu trái. Các bác sĩ nhận định bệnh nhân đang ở mức độ nguy hiểm nhất trong các dạng tổn thương vỡ phình mạch máu não.
Bác sĩ Bùi Long, Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô, cho biết tình trạng bệnh nhân rất nặng, kíp bác sĩ tiến hành chụp MRI và phát hiện có túi phình động mạch não giữa cổ trái rộng 3,1 mm, sâu 1,7 mm nằm ở trung tâm vùng máu cục của rãnh Sylvius.
Sau khi can thiệp nút phình động mạch não, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, đang được chăm sóc phục hồi tại bệnh viện.

Cụ bà qua cơn nguy kịch, đang được chăm sóc tại bệnh viện. Ảnh: Thúy Quỳnh.
Bác sĩ Trần Thế Anh, Phó giám đốc bệnh viện cho biết nhồi máu não chiếm khoảng 80% trong tổng số đột quỵ não, tử vong đứng thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư, di chứng tàn tật đứng hàng đầu. Người bị đột quỵ não thường biểu hiện rõ trên gương mặt khi cười, nhe răng. Người bệnh có thể yếu, liệt tay chân hoặc có vấn đề về ngôn ngữ như không thể hiểu, nói, lặp lại một số từ đơn giản. Bệnh hay gặp ở những người cao tuổi, tuy nhiên hiện nay người bệnh ngày càng trẻ.
"Những người thoát chết thường để lại di chứng nặng nề về thể xác và tâm thần như mất khả năng lao động, phải có người chăm sóc thường xuyên, là gánh nặng cho gia đình và xã hội", bác sĩ cho biết.
Hiện nay, có 2 phương pháp can thiệp hiệu quả là tiêu sợi huyết can thiệp trong tắc mạch máu nhỏ và hút huyết khối - can thiệp trong tắc mạch máu nhánh lớn. Thời gian lý tưởng nhất để ứng dụng các kỹ thuật này là từ 4-5 giờ kể từ khi có các dấu hiệu đột quỵ đầu tiên.
"Mỗi một phút đột quỵ trôi qua có 2 triệu tế bào não bị chết, do vậy người bệnh được can thiệp càng sớm thì khả năng phục hồi càng tốt, gần như phục hồi hoàn toàn", bác sĩ Anh nói.
Thúy Quỳnh