Chiều 23/10, được dẫn ra từ phòng lưu phạm, Nguyễn Minh Hùng (cựu chủ tịch VN Pharma) cười gượng với luật sư và người thân. Trước khi tiếp tục phiên xử, chủ tọa hỏi "sức khỏe bị cáo có đảm bảo không?". Hùng đáp "có thể".
Gương mặt Hùng và bị cáo Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty thương mại hàng hải quốc tế H&C) trông nhợt nhạt hơn hẳn. Họ vừa bị tòa ra lệnh bắt giam 90 ngày để đảm bảo công tác điều tra, xét xử.
Cựu chủ tịch VN Pharma thừa nhận chi tiền cho bác sĩ
VKS hỏi Phạm Anh Quốc (phó giám đốc phụ trách tài chính của VN Pharma) đã chi 7,5 tỷ đồng cho việc gì? Thấy Quốc trả lời vòng vo, đại diện VKS yêu cầu "đi thẳng vào câu hỏi". Quốc nói, số tiền này chi cho nhân viên bán hàng - còn gọi là trình dược viên.
"Trình dược viên có làm việc trực tiếp với các bệnh nhân không?", VKS hỏi. Quốc đáp: "Làm việc với các bác sĩ ở bệnh viện".
"Bác sĩ ở bệnh viện nào?", VKS tiếp tục truy. Quốc cho biết: "Các bác sĩ ở hầu hết bệnh viện trên cả nước mà công ty trúng thầu. Trình dược viên là những ai, có chi cho bác sĩ hay không bị cáo không biết".
Lý giải việc số tiền này không có phiếu thu chi, Quốc nói do xử lý tồn đọng trong công tác bán hàng và thừa nhận mình làm sai.
Bị hỏi câu tương tự ngay sau đó, cựu chủ tịch VN Pharma cho biết: "7,5 tỷ đồng chi cho các dược sĩ để bán hàng".
"Tiền này không chi cho các bệnh nhân, vậy các trình dược viên chi cho ai", VKS truy vấn.
Sau một hồi lòng vòng, Hùng thừa nhận: "Trình dược viên chi cho bác sĩ. Nhưng đây là quyền của trình dược viên, bị cáo không biết".
VN Pharma làm giả con dấu Công ty Helix?
Trả lời VKS về việc cơ quan điều tra tìm thấy con dấu của Công ty Helix tại VN Pharma, bị cáo Bùi Ngọc Duy (nguyên trưởng phòng nghiên cứu và phát triển VN Pharma) nói "không biết gì và không bàn với ai để làm con dấu này".
VKS gọi Phan Cẩm Loan (phó trưởng phòng xuất nhập khẩu) lên đối chất, bà này cho biết: "Bị cáo bỗng dưng nhận được email của Duy, thấy nói làm con dấu Helix, chứ bị cáo không biết gì".
Duy cũng không trả lời được con dấu Helix có phải là công ty con của VN Pharma không nên VKS gọi Hùng. Bị cáo này khẳng định "không phải".
VKS quay lại hỏi Duy tại sao đóng con dấu của Công ty Helix và ký giả tên Raymundo vào nhiều giấy tờ. Tuy nhiên, bị cáo không trả lời, chỉ thừa nhận việc làm của mình là sai.
Trong khi đó Cường tiếp tục khẳng định "chỉ có duy nhất con dấu của Công ty Helix được Raymundo đưa" và không giao con dấu này cho bất cứ ai.
"Quá trình xét xử bị cáo mới biết bên VN Pharma có con dấu của Helix. Bị cáo cũng mong HĐXX làm rõ vấn đề này", Cường đề nghị.
Tiếp tục được gọi lên thẩm vấn về con dấu "lạ", Loan nói chỉ nhớ là trong công ty có làm con dấu đó "chứ không biết gì". VKS sau đó công bố lời khai của Loan tại cơ quan điều tra về quy trình làm con dấu. "Bị cáo chỉ nghe từ phòng nghiên cứu phát triển nói vậy thôi chứ không biết gì", Loan đáp.
Bộ Y tế, Ngoại giao, Công thương bị thẩm vấn ngày mai
Liên quan việc xác minh sự tồn tại của Công ty Helix Canada, cuối buổi làm việc chiều nay, HĐXX gọi đại diện Bộ Ngoại giao lên trả lời, song không ai có mặt.
Chủ tọa cho biết, trong phiên làm việc ngày mai sẽ thẩm vấn đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và Bộ Công thương để làm rõ một số vấn đề.
Bản án sơ thẩm cáo buộc, khi Hùng đặt mua thuốc H-Capita 500mg (trị ung thư), Cường đặt hàng với Raymundo (thương gia ở Philippines, đại diện Công ty Helix Canada).
Cơ quan điều tra xác định đây là công ty "ma", nhân vật Raymundo không có lai lịch rõ ràng.
Do đối tác không cung cấp đủ giấy tờ, Hùng chỉ đạo cấp dưới thuê người viết hồ sơ kỹ thuật thuốc, làm giả hợp đồng và chứng từ thanh toán để xin Cục quản lý Dược – Bộ Y tế cấp phép nhập lô hàng gần 9.300 hộp thuốc H-Capita.
Cục Quản lý dược sau đó phát hiện lô thuốc không đạt chất lượng, kết luận thuốc chứa 97% hoạt chất capecitabine - không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, "không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người". Bộ Y tế thanh tra VN Pharma niêm phong toàn bộ lô hàng.
Xử sơ thẩm hồi tháng 8, TAND TP HCM tuyên phạt Hùng, Cường mức án 12 năm tù về tội Buôn lậu; 7 bị cáo khác nhận từ 2 năm tù (cho hưởng án treo) tới 5 năm tù về tội Buôn lậu hoặc Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức.
Toà kiến nghị VKSND Tối cao, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của 3 cán bộ Cục quản lý dược Bộ Y tế, các bác sĩ nhận hoa hồng… nếu có dấu hiệu vi phạm thì xử lý thành vụ án khác; đồng thời làm rõ vai trò của một số cá nhân liên quan để tránh lọt người lọt tội.
Bị cáo Hùng và một số đồng phạm có đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Cường và hai bị cáo khác kêu oan, cho rằng không biết các giấy tờ được làm giả, chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Còn VKS kháng nghị tòa hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, điều tra lại vì nhiều tình tiết cấp sơ thẩm cũng như tại phiên phúc thẩm chưa thể làm rõ.
HĐXX cũng kiến nghị làm rõ vai trò của Phan Xuân Thiện (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma), Hoàng Trúc Vy (nhân viên Phòng nghiên cứu phát triển VN Pharma) và Nguyễn Quang Huy – trong việc cung cấp bản sao công chứng giấy phép hoạt động của công ty nước ngoài cho Hùng. Sau phiên sơ thẩm, nhiều ý kiến cho rằng việc định tội danh lãnh đạo VN Pharma cùng đồng phạm chưa đúng, các bị cáo có dấu hiệu của tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh - khung hình phạt cao hơn nhiều so với tội Buôn lậu. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 26/9, đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đã đến Bộ Y tế công bố quyết định thanh tra việc cấp phép nhập khẩu và cấp giấy đăng ký lưu hành đối với 7 loại thuốc do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc, Canada sản xuất. Cuộc thanh tra có thể kéo dài trong vòng 60 ngày. |