Chiều 27/3, phần lớn thời gian Hội đồng xét xử tập trung xét hỏi về những sai phạm trong dự án đầu tư mua tàu Hoa Sen (chở khách và ôtô). Theo cơ quan công tố, đầu năm 2007, Phạm Thanh Bình khi đó là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin được Công ty Maersk Broker (Singapore) môi giới mua tàu Cartour của Italia. Đây là tàu cũ được sản xuất năm 2001.
Bị cáo Phạm Thanh Bình (bên trái) tại phiên sơ thẩm. Ảnh: TTXVN |
Phạm Thanh Bình đã giao cho Trần Văn Liêm - Giám đốc Công ty vận tải Viễn Dương Vinashin thực hiện mua tàu. Tàu Hoa Sen (Cartour) kể từ khi đưa về nước hoạt động (cuối tháng 12/2007) chỉ chạy được 39 chuyến đã phải dừng hoạt động vì kinh doanh không có hiệu quả. Tàu bị thủng vỏ ở đáy phải sửa chữa với chi phí hết hơn 340.000 USD.
Theo kết quả giám định của công ty cổ phần giám định, thẩm định Việt Nam, nguyên nhân thủng vỏ là do khuyết tật ẩn tỳ bên trong tấm tôn từ khi đóng tàu mà người sử dụng không phát hiện được. Điều này do việc đầu tư mua tàu Hoa Sen không thực hiện đúng quy trình và thủ tục đầu tư, không có biên bản tổng nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, không lập báo cáo quyết toán dự án đầu tư hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, quá trình kiểm tra chất lượng của tàu trước khi nhận bàn giao tàu không đảm bảo tính khách quan…
Cơ quan công tố cáo buộc, trong quá trình thực hiện dự án đầu tư mua tàu Hoa Sen của công ty Viễn Dương, các bị can Phạm Thanh Bình, Trần Văn Liêm, Trịnh Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp, Hồ Ngọc Tùng, Giang Kim Đạt đã có hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước. Trong đó, Phạm Thanh Bình giữ vai trò là người tổ chức. Hậu quả các bị can đã gây thiệt hại gần 470 tỷ đồng gồm thiệt hại tiền lãi vay và phí vay vốn, chi phí sửa chữa vết nứt ở đáy tàu.
Tại phiên tòa chiều 27/3, bị cáo Bình cho rằng, trên thế giới loại tàu như Hoa Sen không có nhiều, phù hợp với Việt Nam nên ông đã quyết định mua trước khi dự án được cấp trên đồng ý. Mua tàu Hoa Sen, bị cáo Bình tin tưởng sẽ có 3 thử nghiệm.
Thứ nhất muốn vận hành con tàu này vì trước nay chưa có. Thứ hai muốn thử nghiệm một phương thức vận tải mới bởi từ trước đến nay chỉ có vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường bộ chứ chưa có đường sông trong khi tai nạn giao thông và lũ lụt xảy ra nhiều. Thứ ba đó là mục tiêu chung của Chính phủ và Vinashin tạo tuyến đường cao tốc Bắc - Nam trên đường sông trong thời kì đổi mới.
“Nếu để xây dựng tuyến đường sắt phải mấy 10 năm với chi phí hàng chục ngàn tỷ đồng, trong khi tuyến đường cao tốc Bắc - Nam trên biển chỉ mất chừng 5 năm với chi phí khoảng 2.000 tỷ đồng”, bị cáo Bình viện dẫn lý do khi phải thực hiện gấp rút dự án mua tàu Hoa Sen về để thử nghiệm.
Trả lời luật sư về niềm tin ra sao khi đầu tư mua tàu Hoa Sen, cựu chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình cho rằng, thời điểm đó rất khó khăn để đưa ra quyết định vì biết rằng đầu tư sẽ lỗ. Tuy nhiên, ông hy vọng với số lượng tàu lớn dần chỉ vài năm sau sẽ có hiệu quả.
Trước những con số thiệt hại mà đại diện cơ quan giám định đưa ra trong phiên xử chiều 27/3 như trả tiền lãi cho việc đầu tư mua tàu Hoa Sen, chi phí cho vết nứt sửa chữa tàu… bị cáo Bình cho rằng không thể coi đó thiệt hại bởi đây là khoản đầu tư.
“Bị cáo xin khẳng định vết nứt ở dưới đáy tàu là tiềm ẩn, không phải lỗi của người đi mua. Sau 3 tháng hoạt động ở Việt Nam mới xảy ra sự cố”, bị cáo Bình với vẻ mặt bình tĩnh khi khẳng định thông tin trên với cơ quan công tố.
Tại phiên xử, cựu chủ tịch HĐQT Vinashin khẳng định, trước khi mua tàu Hoa Sen cũng đã thông báo cho Hội đồng quản trị và các phòng ban biết. Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng lời nói đó không chính xác bởi trong lời khai với cơ quan điều tra ông Bình có nói: “Với dự án tàu Hoa Sen không đưa ra hội đồng quản trị vì mất thời gian và phức tạp. Quyết định và đưa ra chỉ là hình thức”.
Nhận định về dự án tàu Hoa Sen, bị cáo Bình thừa nhận có một số sai phạm như bản cáo trạng đã truy tố.
Liên quan đến dự án này, nhiều bị cáo như Trịnh Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp, Trần Văn Liêm cũng lần lượt bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan công tố cáo buộc bị cáo Liêm (thời điểm đó là giám đốc công ty Viễn Dương) ký hợp đồng mua tàu Hoa Sen trong khi chưa lập xong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, dự án chưa được thẩm định phê duyệt, không thực hiện thủ tục để cấp giấy chứng nhận đầu tư… Còn bị cáo Hậu dù biết rõ hồ sơ dự án chưa lập xong, chưa thẩm định nhưng vẫn thực hiện chỉ đạo của ông Bình tiến hành chuyển 80 tỷ đồng dưới hình thức tiền gửi và có công văn đề nghị ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng mua tàu cao tốc Hoa Sen.
Riêng bị cáo Hiệp, cơ quan công tố cho rằng đã thực hiện giải ngân gần 2,8 tỷ đồng để công ty Viễn Dương ký quỹ cho ngân hàng phát hành bảo lãnh thực hiện hợp đồng mua tàu khi dự án chưa lập xong và chưa được thẩm định.
Tại phiên tòa, bị cáo Hậu và Hiệp lần lượt cho rằng mình vô can, không làm sai trái các quy định. “Công ty Viễn Dương trình lên để vay vốn khi chưa hoàn thiện và thẩm định thì đó là trách nhiệm của khách hàng vay vốn chứ không thuộc về bên cho vay”, bị cáo Hiệp nói.
Với vẻ mặt khá điềm tĩnh, bị cáo Liêm ông cho rằng chỉ làm theo cấp trên bởi công ty của ông chỉ là công ty con.
Chiều cùng ngày, Hội đồng xét xử cũng lần lượt hỏi các bị cáo như Trần Quang Vũ, Trần Văn Liêm, Phạm Thanh Bình, Tô Nghiêm liên quan đến các sai phạm tại dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân và việc phá dỡ vỏ tàu Bạch Đằng Giang để bán.
Tàu Hoa Sen là loại tàu ro-pax (tàu chở xe và hành khách) trọng tải 7.550 DWT, cao 7 tầng và có sức chứa 500 ôtô 4 chỗ, 70 xe tải, 160 xe container 40 feet cùng gần 640 hành khách. Tàu được đóng năm 2001 và được Vinashin mua lại từ Italia vào cuối năm 2007 với giá 60 triệu euro (tương đương gần 1.300 tỷ đồng tính theo tỷ giá lúc đó) nhằm chuyên chở hàng hóa, khách du lịch trên tuyến Bắc - Nam. Tuy vậy, chỉ sau 40 lần hải hành với trục trặc, Vinashin đã phải cho dừng hoạt động con tàu từ đầu năm 2009 do thua lỗ, kém hiệu quả. |
Hà Anh