“Tuy nhiên, cái sai này là do hoàn cảnh khách quan đưa lại”, người từng nhiều năm đứng đầu tập đoàn Vinashin nói.
Một trong những quyết định sai lầm khiến ông Bình bị truy cứu trách nhiệm hình sự là việc mua tàu Hoa Sen. Đầu năm 2007, qua môi giới, ông Bình đã giao cho bị cáo Trần Văn Liêm (nguyên giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin) mua tàu Cartour (Hoa Sen) cũ của Italy. Ông Bình ký công văn gửi Thủ tướng đề nghị cho Vinashin được đóng mới 6 tàu biển cao tốc chở khách, song trước mắt là mua - thuê 2 tàu của nước ngoài.
Cựu tổng giám đốc Vinashin: “Tôi là người duy nhất trong một tập đoàn Nhà nước kiêm nhiệm nhiều chức vụ nên phải có quyết định nhanh chóng, dẫn đến sai sót”. Ảnh: Hải Hưng |
Trong khi Thủ tướng chưa có ý kiến, ông Bình đã ban hành nghị quyết về việc đầu tư tuyến vận tải cao tốc Bắc - Nam trên biển. Khi Văn phòng Chính phủ có công văn đồng ý chủ trương đóng mới tàu biển, ông Bình không thông báo ý kiến Thủ tướng cho các thành viên HĐQT mà tiếp tục giao cho ông Liêm xúc tiến mua tàu Hoa Sen với giá gần 1.300 tỷ đồng.
Ông Bình cho rằng, mua con tàu vào thời điểm đó là phù hợp nhất. Việc ký một loạt các quyết định để xúc tiến hợp đồng được cựu chủ tịch Vinashin này tiến hành khẩn trương. Mua tàu về, kinh doanh không hiệu quả, giai đoạn đầu bị lỗ, sau đó mới dần có lãi. “Việc lỗ là do khủng hoảng kinh tế”, ông Bình trình bày trước HĐXX phúc thẩm.
Bị cáo thừa nhận trong dự án mua tàu Hoa Sen, khi ra quyết định đã không hiểu đúng ý kiến chỉ đạo của Chính phủ “đóng mới tàu biển chở khách Bắc - Nam”. “Tôi là người duy nhất trong một tập đoàn Nhà nước kiêm nhiệm nhiều chức vụ nên phải có quyết định nhanh chóng, dẫn đến sai sót”, ông Bình khai.
Tàu Hoa Sen ế khách, nợ lương nhân viên hàng tỷ đồng. Ảnh: Mỹ Giang. |
Tiếp đó, ông Trần Văn Liêm (án sơ thẩm phạt 19 năm tù) trình bày về lý do kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, mức bồi thường. “Mức án và bồi thường quá lớn, quá nặng với tôi”, ông Liêm trình bày.
Bị cáo thừa nhận mới chỉ nhìn con tàu qua hình ảnh nhưng vẫn ký hợp đồng mua vì "Vinashin đã có quyết định nên buộc phải làm". Dù thấy mua con tàu là "sai lầm", nhưng ông Liêm vẫn làm vì sợ bị cấp trên kỷ luật. “Tôi bị thụ động”, ông Liêm nói.
Như ông Bình, ông Liêm cho rằng việc tàu cũ mua về hoạt động không hiệu quả, lại gánh thêm chi phí sửa chữa lớn là do điều kiện khách quan. "Bản thân bị cáo không tự mình làm bất cứ việc gì, đều thừa hành theo lệnh cấp trên", nguyên giám đốc công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin trình bày.
8 bị cáo tại phiên phúc thẩm đều mong được xét giảm nhẹ tiền bồi thường. Ảnh: Việt Dũng |
Đề cập đến việc bồi thường, cựu giám đốc này “nghĩ” chỉ chịu trách nhiệm một phần hậu quả, vì ông chỉ là một thành viên trong công ty nên phía công ty cũng phải có trách nhiệm.
Theo bản án sơ thẩm, thiệt hại từ việc mua con tàu là 991 tỷ đồng, ông Bình và Liêm chia đều để bồi thường.
Chiều nay, phiên xử tiếp tục làm việc.
Việt Dũng