Phiên xử sơ thẩm sẽ do thẩm phán Trần Văn Nghiêm, Chánh tòa kinh tế làm chủ tọa.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, bị cáo Phạm Thanh Bình, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Vinashin, cùng các đồng phạm bị truy tố về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Hành vi sai phạm của các bị cáo được xác định gồm việc cố tình mua tàu Hoa Sen trái với chỉ đạo của Thủ tướng gây thiệt hại hơn 470 tỷ đồng; bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang không xin ý kiến tập đoàn; phê duyệt thực hiện đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định) khi chưa có ý kiến thẩm định của các cơ quan chức năng; nhập các thiết bị công nghệ lạc hậu, gây thiệt hại trên 313 tỷ đồng.
Nhà chức trách nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị can xảy ra trên phạm vi rộng, ở nhiều lĩnh vực... Trong đó, bị can Phạm Thanh Bình được xác định có vai trò đầu vụ với nhiều sai phạm nghiêm trọng, liên quan đến nhiều dự án. Tổng thiệt hại về tài chính tại Vinashin được xác định là hơn 900 tỷ đồng.
Ngoài ông Bình, cáo trạng cũng nêu rõ hành vi của 8 bị can khác, trong đó có ông Trần Quang Vũ, nguyên tổng giám đốc Vinashin; ông Trần Văn Liêm, nguyên Trưởng ban kiểm soát tập đoàn; ông Nguyễn Văn Tuyên, nguyên giám đốc công ty cổ phần Công nghệ tàu thủy Hoàng Anh...
Trong vụ án này còn có 2 bị can đang bỏ trốn, bị truy nã là Hồ Ngọc Tùng (nguyên tổng giám đốc công ty tài chính TNHH một thành viên Công nghệ Tàu thủy) và Giang Kim Đạt (34 tuổi, nguyên trưởng phòng kinh doanh công ty vận tải Viễn Dương Vinashin).
Bất ổn tại Vinashin được đặt ra từ cuối năm 2009 khi báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy tập đoàn này nợ gần 19.900 tỷ đồng, gấp 11 lần vốn chủ sở hữu. Đến cuối tháng 6/2010, Vinashin ra nghị quyết tái cơ cấu toàn diện. Nhưng chỉ hơn nửa tháng sau, Chủ tịch Phạm Thanh Bình đã bị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho đình chỉ chức vụ. Thay thế ông Bình tạm giữ vị trí này là Thứ trưởng Giao thông Vận tải - Nguyễn Hồng Trường. Đến đầu tháng 7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật đối với ông Phạm Thanh Bình do thiếu trách nhiệm trong việc huy động, sử dụng tiền vốn. Tại thời điểm này, số nợ của Vinashin là hơn 80.000 tỷ đồng. Đến ngày 4/8, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam ông Phạm Thanh Bình do những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, khiến tập đoàn có nguy cơ phá sản. Trong vòng một tháng sau đó, cơ quan an ninh tiếp tục khởi tố và bắt 5 cán bộ cao cấp khác của Vinashin, trong đó có ông Trần Quang Vũ - người kế nhiệm ông Bình giữ chức Tổng giám đốc điều hành. Tạm thay thế ông Vũ tại thời điểm này là ông Nguyễn Quốc Ánh - Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh. Tuy vậy ông Ánh cũng chỉ giữ chức vụ này không lâu trước khi được thay thế vào đầu tháng 10 bởi Tổng giám đốc hiện tại của Vinashin - ông Trương Văn Tuyến, nguyên là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí. Ít ngày sau đó, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng thôi kiêm chức Chủ tịch Vinashin để nhường chỗ cho một vị Phó tổng giám đốc khác của PVN là ông Nguyễn Ngọc Sự đảm nhiệm vị trí này. Quá trình thanh tra toàn diện Vinashin được Thanh tra Chính phủ kết thúc vào tháng 11/2010 với kết quả cuối cùng về số nợ của tập đoàn là gần 92.600 tỷ đồng (đã trừ các khoán nợ nội bộ). 9 sai phạm lớn được chuyển cho cơ quan điều tra. |
Hà Anh - Nhật Minh