Trưa 26/3, sau bốn ngày xét hỏi, đại diện VKSND Hà Nội đọc bản luận tội và đề nghị mức án với 13 bị cáo trong vụ án liên quan sai phạm tại dự án cao ốc Saigon One Tower.
VKS nhận định, hành vi của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, tác động xấu đến việc quản lý, sử dụng vốn của GPBank, gây thiệt hại tài sản đặc biệt lớn cho GPBank và ảnh hưởng xấu đến hoạt động tài chính, ngân hàng. Đây là một phần nguyên nhân dẫn đến GPBak bị âm vốn, không thể tái cơ cấu được và đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng.
Ông Tạ Bá Long bị đề nghị 12-13 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, theo khoản 3, điều 179, Bộ luật Hình sự. VKS xác định, bị cáo Long có vai trò chính, đánh giá tổng thể rủi ro và chất lượng tín dụng để quyết định phê duyệt trên cơ sở hồ sơ tín dụng do cấp dưới trình.
Ông ký biên bản định giá cổ phần mà không có báo cáo thẩm định, thiếu tài liệu làm căn cứ, ký phê duyệt tín dụng cho vay khi hồ sơ vay vốn của công ty Điện lực Sài Gòn không phản ánh đúng sự thật. Ông Long được chi tiền phần trăm trong số tiền vay.
Ông Phùng Ngọc Khánh, cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP M&C, bị VKS đề nghị mức án 14-15 năm tù, cao nhất trong 13 bị cáo, về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điểm a, khoản 4, điều 174 Bộ luật Hình sự. Trong 9 cựu lãnh đạo GPBank bị truy tố về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, ông Phạm Quyết Thắng (cựu tổng giám đốc) và Đỗ Trung Thành(cựu phó tổng giám đốc) cùng bị đề nghị mức án 8-9 năm tù. Ông Đoàn Văn An (cựu phó chủ tịch HĐQT) bị đề nghị 13-14 năm tù. Các bị cáo còn lại bị đề nghị 3-7 năm tù.
Cùng bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Nguyễn Trọng Hiếu (cựu chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần phát triển Điện lực Sài Gòn) bị đề nghị 9-10 năm tù và Kim Văn Bộ (cựu phó giám đốc) bị đề nghị 4-5 năm tù.
Cáo trạng xác định, tháng 9/2005, Công ty Sài Gòn One được UBND TP HCM giao làm chủ đầu tư dự án cao ốc Sài Gòn tại 34 phố Tôn Đức Thắng, quận 1, diện tích gần 6.700 m2.
Khi các căn hộ của dự án chưa được phép mua bán, chuyển nhượng và Công ty M&C cũng không có quyền sở hữu, mua bán, chuyển nhượng, bị cáo Khánh vẫn bàn bạc cùng Hiếu và Bộ lập khống hồ sơ mua bán 6 căn.
Ông Khánh bị cáo buộc trực tiếp liên hệ GPBank chi nhánh TP HCM để ngân hàng này cho Công ty Cổ phần phát triển Điện lực Sài Gòn vay tiền trả nợ M&C.
Ngày 12/9/2011, bị cáo Bộ ký giấy đề nghị vay 305 tỷ đồng mua sáu căn hộ và tài sản đảm bảo bằng chính bất động sản này, cùng giá trị cổ phần của Khánh.
Để hoàn tất hồ sơ, các bị can lập khống báo cáo tài chính rằng Công ty Cổ phần phát triển Điện lực Sài Gòn có doanh thu hàng trăm tỷ đồng vào năm 2010 và năm 2011, trong khi thực tế là 0 đồng.
Cáo trạng cho rằng chuyên viên quan hệ khách hàng của GPBank tiếp nhận hồ sơ, không thẩm định thực tế song vẫn lập tờ trình gửi Lương Hồng Thái phê duyệt. Tài sản đảm bảo cho 6 căn hộ và 255.000 cổ phần Công ty M&C được xác định tổng cộng hơn 728 tỷ đồng. Ngày 23/9/2011, ông Thái ký hợp đồng tín dụng cho Công ty Cổ phần phát triển Điện lực vay tiền sau khi được Hội sở GPBank do chủ tịch Tạ Bá Long và phó tổng giám đốc Thành phê duyệt.
Nhận tiền giải ngân, chủ tịch Công ty Cổ phần phát triển Điện lực Sài Gòn chuyển toàn vào tài khoản của Công ty M&C. Với số tiền này, chủ tịch M&C rút ra sử dụng cá nhân và chi hoa hồng cho Hiếu như đã hứa, chi 10% cho một số lãnh đạo GPBank.
Sau khi giải ngân, ngân hàng cũng không kiểm tra định kỳ sau cho vay theo quy định, không kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tính đến thời điểm hoàn tất điều tra, tháng 8/2020, GPBank thiệt hại hơn 960 tỷ đồng trong đó, hơn 2/3 là tiền lãi.
Thanh Lam
Body