- Từng đứng đầu chính quyền Đà Nẵng, ông đánh giá thế nào về chủ trương làm hầm vượt sông Hàn của Thành ủy?
Ông Trần Văn Minh. |
- Theo tôi biết đến nay Ban Thường vụ Thành ủy chưa nghe UBND TP Đà Nẵng báo cáo kết quả cuộc thi tuyển chọn phương án kiến trúc công trình vượt sông Hàn nên chưa đưa ra quyết định xây hầm hay làm cầu.
Trước đó ngày 2/9, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội đồng chấm cuộc thi phương án thiết kế đầu tư xây dựng công trình giao thông vượt sông Hàn. Theo Hội đồng giám khảo, không có phương án nào hoàn hảo cho hầm chui hay cầu vượt. Phương án hầm chui có miệng hầm quá dốc và cong, không đảm bảo an toàn giao thông nên không được chọn. Thành phố đã thông báo không có phương án nào đoạt giải.
Sáng 21/12, trong buổi họp báo cuối năm 2016, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh cho biết sắp đến sẽ họp Ban Thường vụ Thành ủy để bàn thêm. Đến bây giờ phương án hầm chui chữ Z, phương án cầu, Hội đồng giám khảo cuộc thi đã quyết định không chọn rồi. Còn phương án nào nữa thì phải chờ kết quả cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy.
- Từng là giảng viên Đại học Bách khoa TP HCM, xét theo góc độ khoa học, làm hầm có ưu điểm gì so với làm cầu?
- Đến bây giờ đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và bản thân tôi cũng không đồng tình về phương án làm hầm chui chạy dích dắc chữ Z vì quá tốn kém, không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật như đã nêu trên. Còn phương án hầm chui nào nữa thì chưa biết.
Về góc độ khoa học thì khi nào không làm cống được thì mới nghĩ đến cầu, không làm cầu được mới nghĩ đến hầm. Trên thế giới cũng đã có những cây cầu nổi tiếng với kiến trúc rất đẹp và tổ chức tốt cuộc trình diễn pháo hoa ngoạn mục tạo điểm nhấn, thu hút rất nhiều khách du lịch.
- Theo ông, việc đầu tư làm hầm trên 4.000 tỷ đồng sẽ tác động thế nào tới việc giảm tắc nghẽn tại nhiều tuyến đường trung tâm ở thành phố?
- Trong kỹ thuật, khi tính toán thiết kế một công trình nếu nghiêng về an toàn quá thì sẽ tốn kém kinh phí, nếu kinh phí ít sẽ gây nguy hiểm cho công trình, do vậy nhà nước mới đưa ra một hệ số an toàn trong quy phạm xây dựng mà bất kỳ kỹ sư nào cũng phải áp dụng.
Trong quy hoạch, trong xây dựng khi tạo ra nhiều đường thì sẽ giảm ùn tắc giao thông, song quan trọng ở người quản lý là bắt đúng mạch, làm cái nào trước, cái nào sau. Trong kỹ thuật gọi là tính cấp thiết của công trình, trong xã hội gọi là tính bức xúc của người dân.
Theo tôi làm hầm vào lúc này với kinh phí trên 4.000 tỷ đồng là không ổn, nguồn kinh phí chưa xác định rõ, các cầu khác chưa phát huy hết công suất, trong khi đó phạm vi của thành phố Đà Nẵng nhỏ, khoảng cách các đường trục không lớn, các ngã tư chia cắt nhiều, bãi đậu xe chưa có...
Thành phố phải tính bài toán giao thông căn cơ hơn, khoa học hơn để điều phối phương tiện trên các tuyến đường, tạo dần thói quen của người dân đi qua các tuyến đường mới.
- Ông đánh giá thế nào về ý kiến chuyên gia nên nâng cấp cầu Thuận Phước, mở rộng cầu quay sông Hàn thay vì làm hầm, trong khi lãnh đạo Đà Nẵng cho rằng mở rộng cầu quay sẽ đưa thêm phương tiện về khu vực trung tâm?
- Tôi cũng chưa nghĩ đến nâng cấp cầu Thuận Phước trong lúc này. Mở rộng cầu quay sông Hàn hoặc làm cầu song hành với cầu sông Hàn là hợp lý. Trên thế giới cũng như trong nước bao giờ người ta cũng muốn đi vào trung tâm cả. Vào ra là nhu cầu của người dân, anh cấm đi con đường này thị họ cũng tìm cách đi vào trung tâm thôi, cho nên mới sinh ra những hồ trung tâm, quảng trường trung tâm kết nối các nút giao thông, công viên cây xanh, không gian kiến trúc, bãi đậu xe, chỗ đậu đỗ, tuyến phố đi bộ.
Cầu sông Hàn trước đây chọn phương án quay vì còn cảng Sông Thu, bây giờ không còn nữa rồi, có nhất thiết phải quay nữa không? Đúng là làm mới thì dễ, sửa chữa nâng cấp mệt lắm, ít ai muốn nhưng nếu thành phố cứ tổ chức thi nâng cấp cầu sông Hàn chắc sẽ có nhiều phương án hay.
- Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh khẳng định với báo giới rằng, không chạy theo dư luận và sẽ chịu trách nhiệm với quyết định làm hầm vượt sông Hàn. Ông bình luận gì về điều này?
- Trong lãnh đạo không chạy theo dư luận là đúng rồi, trong khoa học lại càng không chạy theo dư luận, nhưng trong công nghệ thì yếu tố nhu cầu của con người rất quan trọng. Trong kinh tế mà không xét đến yếu tố con người cũng không được.
Trong xã hội mỗi người lãnh đạo có cá tính riêng, không thể lấy cá tính của người này áp cho người kia được. Vấn đề dư luận là những ai? Ý kiến nêu có khách quan không? Có khoa học không? Có phù hợp với lúc này không?
Theo tôi việc lớn như thế này thì càng phải cẩn trọng nhiều mặt hơn nữa.
Giữa tháng 6/2016, Ban Thường vụ Thành ủy đã nghe UBND thành phố báo cáo phương án do Công ty CP Tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC- thuộc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - Bộ Giao thông Vận tải) đề xuất xây dựng hầm chui qua sông Hàn với tổng chiều dài 1.315 m (trong đó đoạn hầm chìm dài 900 m), quy mô 6 làn xe cơ giới. Hầm nối tại điểm giao đường Đống Đa, Trần Phú, bờ Tây sông Hàn chạy theo hình chữ Z qua kết nối với đường Vân Đồn, Sơn Trà. Nhận thấy đây là công trình lớn, có nhiều ý kiến không đồng tình của các nhà khoa học, chuyên gia, hội nghề nghiệp nên ngày 24/6/2016 Ban Thường vụ Thành ủy có văn bản số 91 giao cho Ban cán sự Đảng UBND chỉ đạo UBND thành phố tổ chức thi tuyển quốc tế phương án đầu tư công trình vượt sông Hàn, báo cáo Thường vụ trong quý III/2016. Sau thời gian kêu gọi, có 7 phương án dự thi, trong đó chỉ có một phương án đề nghị xây hầm, 6 phương án đề nghị xây cầu. Phương án xây hầm chui vẫn do Công ty CP Tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC- Bộ Giao thông Vận tải) đề xuất, nhưng đợt này có thêm liên danh với Công ty Oriental Consultants Global Company LTD (Nhật Bản). Liên danh này kiến nghị xây hầm chui qua sông dài 1.300 m, khác với báo cáo phương án lần 1 có thêm nút giao thông khác mức và đường gom vào hầm ở phía bờ Tây. Tổng mức đầu tư dự án 4.100 tỷ đồng, chi phí vận hành 26,4 tỷ đồng/năm. |
Nguyễn Đông thực hiện