Chiều 6/6, HĐXX TAND Hà Nội xét hỏi 7 bị cáo trong sai phạm cổ phần hóa tại Cienco 1, thời điểm năm 2013, bị cáo buộc gây thiệt hại 240 tỷ đồng.
Cựu Tổng giám đốc Cấn Hồng Lai thừa nhận vi phạm, nhận "một phần trách nhiệm" với sai sót. Ông Lai bị cáo buộc khi xem xét tài chính trước khi cổ phần hóa Cienco1, khi đó là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, phải xử lý khoản nợ hơn 364 tỷ đồng của 50 công ty. Ông Lai cùng các bị can đã thống nhất xóa nợ hơn 184 tỷ đồng, xác định "đây là khoản nợ khó thu hồi".
Khi cổ phần hoá xong, Cienco 1 đòi được 65 tỷ đồng trong số "nợ xấu" trên nhưng không bàn giao cho Nhà nước theo quy định mà chỉ đạo chi cho các hoạt động khác. Theo cơ quan công tố, 184 tỷ đồng phải được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa nhưng ông Lai và các đồng phạm không thực hiện.
Bị cáo Lai thừa nhận làm sai với mục đích "làm đẹp sổ sách kế toán, thuận tiện việc chào bán cổ phần phục vụ cổ phần hóa". Ông Lai khai do quá lâu, không nhớ có cuộc họp nào về vấn đề rà soát nợ không, nhưng sau đó vẫn ký tờ trình không số gửi Hội đồng thành viên Cienco 1, xin ý kiến chấp thuận 184 tỷ đồng là khoản nợ "không có khả năng thu hồi".
Giải thích về tờ trình, ông Lai nói thực tế thời gian đó đi công tác, khi về kế toán trưởng đã trình, bị cáo nhận thì đã thấy đầy đủ hết, chỉ ký. "Thực tế, bị cáo không có mặt tại cuộc họp, việc ký xuất phát từ sự thống nhất đã được quyết định", ông khai tại tòa.
Theo cáo buộc, nhận được tờ trình, cựu chủ tịch Cienco 1 Phạm Dũng ký quyết định chấp thuận đề nghị, song các khoản nợ vẫn phải được theo dõi, thu hồi. "Thực tế họ đã có sự thống nhất, để che giấu việc xử lý nợ trái luật", VKS nêu.
Trả lời HĐXX, ông Dũng nói khi đó làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, việc xử lý tài chính đã có hội đồng xử lý nợ, ông không nằm trong cơ cấu chuyên môn này.
"Bị cáo có nghe hoặc được báo cáo các về các doanh nghiệp nợ đang bị phá sản, giải thể thế nào trước khi ký tờ trình xử lý nợ không?", chủ tọa Đào Bá Sơn hỏi. Ông Dũng đáp chưa nắm được thông tin.
"Vậy tại sao vẫn ký?", chủ tọa truy vấn. Cựu Chủ tịch Cienco 1 phân trần, 50 doanh nghiệp này chưa phá sản, giải thể nhưng thực tế không có khả năng trả nợ trong nhiều năm.
"Bị cáo có phân biệt được nợ khó đòi và nợ không thể thu hồi khác nhau thế nào không? Nghe tên gọi đã phải biết nó khác nhau ngay chứ, sao lại đánh đồng được?, chủ tọa hỏi cả ông Lai và ông Dũng và cùng nhận về lời đáp "không biết".
Cựu Chủ tịch Phạm Dũng nói "nghĩ rằng hai khái niệm này giống nhau, không phân biệt được". Song HĐXX ngay sau đó viện dẫn, quá trình điều tra, bị cáo từng viện dẫn các văn bản phân biệt rõ ràng hai khái niệm này.
Trong khi đó cựu tổng giám đốc Cấn Hồng Lai thừa nhận "chỉ ký mà đọc không kỹ. Đến giờ mới thấy hai cái khái niệm khác nhau". Bị cáo Lai nghĩ khi gửi tờ trình không số, Hội đồng thành viên sẽ phân biệt được và phát hiện ra nếu có sai sót. Thời điểm đó, trong số 50 doanh nghiệp, đã có doanh nghiệp nào giải thể hay không, ông Lai nói "không biết, không ai báo cáo", nhưng vẫn đặt bút ký tờ trình không số.
"Tôi không hiểu lắm về tài chính, kế toán, do đó chỉ ký vào tờ trình để Hội đồng thành viên xem xét xử lý, còn sau xử lý thì không thể nắm rõ được", ông Lai nói.
HĐXX cho rằng với vai trò là phó ban thường trực mà nói không nắm rõ thì "rất khó hiểu". Về số tiền 65 tỷ đồng "nợ xấu" Cienco 1 đã thu hồi được và không nộp lại cho Nhà nước, ông Lai cho hay đến khi ông nghỉ hưu, Cienco 1 chưa thu hồi được đồng nào nên không biết về số tiền này.
Ngoài các sai phạm về xử lý nợ, các bị cáo là cựu lãnh đạo Cienco 1 còn bị truy tố trong sai phạm tính sai giá đất, cũng xảy ra trong giai đoạn cổ phần hóa.
Bốn khu đất đều ở vị trí đẹp, rộng 400-16.000 m2 tại TP HCM, Long An, Tiền Giang và Gia Lai. Theo quy định, khi doanh nghiệp cổ phần hóa, UBND cấp tỉnh sẽ có ý kiến để làm căn cứ xác định giá trị đất. Nhóm lãnh đạo Cienco 1 và các bị can thuộc Công ty A&C bị cáo buộc đã xác định 4 khu đất trên là "tài sản cố định vô hình" với tổng giá trị hơn 12 tỷ đồng.
Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự tại 4 tỉnh, thành nói trên xác định tổng giá trị 4 khu đất khoảng 67 tỷ đồng. Do vậy, hành vi của các bị can đã gây thiệt hại cho Nhà nước trên 54,7 tỷ đồng, VKS cáo buộc.
Cơ quan công tố xác định việc xử lý xoá nợ trái quy định, để ngoài giá trị doanh nghiệp hơn 184 tỷ đồng; không xác định giá trị quyền sử dụng 4 khu đất, gây thiệt hại hơn 54,7 tỷ đồng. Tổng thiệt hại vụ án được xác định từ các khoản trên là gần 240 tỷ đồng.
Liên quan vụ án, 8 bất động sản của các bị cáo bị thi hành lệnh kê biên để cưỡng chế thu hồi tài sản. 4 khu đất của Cienco 1 tại TP HCM, Tiền Giang, Gia Lai và Long An cũng bị cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường và Sơ Tư pháp các địa phương tạm dừng giao dịch.
Với 65 tỷ đồng Cienco 1 đã thu được từ các khoản nợ khó đòi của 6/50 công ty Cienco 1 xử lý nợ trái quy định, Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Cienco 1 nộp lại, song công ty chưa thực hiện.
Vụ án có 7 bị cáo, 5 trong số này là cựu cán bộ Cienco 1. Họ đều bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí,theo điều 219 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt đến 20 năm tù.
HĐXX đang tiếp tục xét hỏi các bị cáo.
Nghị định 206/2013/NĐ-CP quy định:
- Nợ phải thu khó đòi: Là các khoản nợ phải thu đã quá thời hạn thanh toán trên 6 tháng (tính theo thời hạn trả nợ ban đầu, không kể thời gian gia hạn trả nợ), doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp xử lý như đối chiếu xác nhận, đôn đốc thanh toán nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thu hồi được; hoặc là các khoản nợ phải thu chưa đến thời hạn thanh toán nhưng khách nợ là tổ chức kinh tế đã lâm vào tình trạng phá sản, đang làm thủ tục giải thể, người nợ mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử, đang thi hành án hoặc đã chết.
- Nợ không có khả năng thu hồi: Là các khoản nợ phải thu quá thời hạn thanh toán hoặc chưa đến thời hạn thanh toán thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Khách nợ là doanh nghiệp, tổ chức đã hoàn thành việc giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.
b) Khách nợ là doanh nghiệp, tổ chức đã ngừng hoạt động và không có khả năng chi trả, không có người kế thừa nghĩa vụ trả nợ.
c) Khách nợ là cá nhân đã chết, mất tích, cá nhân còn sống nhưng không còn khả năng lao động hoặc mất năng lực hành vi dân sự, hoặc người thừa kế theo luật nhưng không có khả năng chi trả.
d) Khách nợ đã được cơ quan có thẩm quyền Quyết định cho xóa nợ theo quy định của pháp luật.
đ) Khoản chênh lệch còn lại của các khoản nợ không thu hồi được sau khi đã xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể phải bồi thường vật chất.
e) Các khoản nợ phải thu đã quá thời hạn thanh toán từ một năm trở lên, tuy khách nợ còn tồn tại, đang hoạt động nhưng kinh doanh thua lỗ liên tục từ 3 năm trở lên và quá khó khăn, hoàn toàn không có khả năng thanh toán, doanh nghiệp đã tích cực áp dụng các biện pháp nhưng vẫn không thu được nợ.
Thanh Lam