Tòa thông báo sẽ làm việc cả ngày nghỉ, từ 16/1/2025.
Tại vụ án này, ông Mai Tiến Dũng cùng bà Trần Bích Ngọc, cựu Vụ trưởng Vụ I Văn phòng Chính phủ, bị VKSND Tối cao truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh, về tội Đưa hối lộ.
Trong 6 người bị truy tố tội Nhận hối lộ có cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp và một số cán bộ của Thanh tra Chính phủ.
Vụ án được đưa ra xét xử sau 6 tuần VKSND Tối cao ra cáo trạng. Ông Mai Tiến Dũng bị tạm giam hồi tháng 5, được tại ngoại từ 17/7.
Ông Mai Tiến Dũng bị tạm giam hôm 1/5, được tại ngoại ngày 17/7, đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh. Ông là một trong 3 người được áp dụng hình thức này, cùng bị can Nguyễn Nho Định, cựu thanh tra viên chính Cục II, Thanh tra Chính phủ và Trần Bích Ngọc, cựu Vụ trưởng thuộc Văn phòng Chính phủ.
Ông Nguyễn Hồng Giang, cựu Cục trưởng Cục II, Thanh tra Chính phủ được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Theo cáo trạng, Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh ở huyện Đức Trọng từ năm 2010. Tổng diện tích đất quy hoạch thực hiện dự án 3.595 ha.
Năm 2020, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra chỉ ra nhiều vi phạm, kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của dự án Đại Ninh.
Ông Nguyễn Cao Trí đã thỏa thuận mua lại dự án từ bà Phan Thị Hoa làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh. Sau khi đạt được thỏa thuận chuyển nhượng dự án Đại Ninh, ông Trí được ông Trần Văn Minh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ (đã chết), hướng dẫn gửi đơn kiến nghị lên Chính phủ để chỉ đạo Thanh tra vào cuộc. Mục đích là để dự án được gia hạn, giãn tiến độ, không bị thu hồi.
Đầu tháng 10/2020, đại gia Trí cầm theo đơn ra Hà Nội gặp ông Mai Tiến Dũng tại trụ sở Văn phòng Chính phủ để trình bày. Ông Trí nhờ ông Dũng bút phê vào đơn, giao Vụ I, Văn phòng Chính phủ tham mưu, báo cáo lãnh đạo Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, để chuyển đơn cho Thanh tra Chính phủ giải quyết. Ông Dũng đồng ý, bút phê "chuyển vụ I" vào đơn của ông Trí và giao cho vụ trưởng Trần Bích Ngọc làm đề xuất.
Do đơn lần một chưa thành, ông Trí làm đơn thêm một lần nữa, theo hướng lãnh đạo Chính phủ giao Thanh tra "giải quyết đơn", khi đó mới có cơ sở thực hiện. Đầu tháng 1/2021, ông Trí hẹn gặp ông Dũng đề xuất, thông qua Văn phòng Chính phủ báo cáo xin ý kiến Phó thủ tướng Thường trực chỉ đạo mạnh mẽ hơn, giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát, giải quyết.
Ngày 25/1/2021, Văn phòng Chính phủ chuyển đơn của ông Trí đến Thanh tra Chính phủ, truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Thường trực. Sau lần chỉ đạo này, ông Minh ký quyết định thành lập tổ công tác giải quyết kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh không đúng pháp luật. Hành vi này đã tạo tiền đề cho hàng loạt sai phạm trong việc điều chỉnh, sửa đổi kết luận thanh tra, cho dự án Đại Ninh được gia hạn, giãn tiến độ trái pháp luật.
Quá trình "dọn đường", ông Trí đã cảm ơn ông Dũng 200 triệu đồng, bà Ngọc 50 triệu đồng, hối lộ ông Quận 2,1 tỷ đồng, Hiệp 4,2 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Minh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, bị cáo buộc đã trực tiếp thỏa thuận, hướng dẫn ông Trí gửi đơn kiến nghị và nhận 10 tỷ đồng để dự án không bị thu hồi. Hành vi của ông Minh có đủ dấu hiệu của tội Nhận hối lộ song ông đã chết trước khi làm việc với cơ quan điều tra nên không xem xét. Tuy nhiên VKS cho rằng cần thu hồi 10 tỷ đồng ông Minh đã nhận.
Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự, bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.
Thanh Lam