Ngày 26/7, Đông và 6 người (chủ container hàng lậu) bị Công an TP HCM khởi tố, bắt tạm giam về hành vi Buôn lậu.
Động thái này của cơ quan điều tra diễn ra trong quá trình mở rộng vụ án Buôn lậu do Hoàng Duy Tiến - nguyên cán bộ Đội 7 Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (PC03, cảnh sát Kinh tế, Công an TP HCM) thực hiện. Đến nay có tổng cộng 23 người bị khởi tố. Đông cùng 6 bị can được cho là thuê Tiến nhập lậu máy móc cũ từ nước ngoài về bán kiếm lời.
Hành vi của Tiến bị phát hiện giữa tháng 5/2021, sau khi cảnh sát khám xét 6 container hàng điện tử tại cảng Cát Lái, TP Thủ Đức. Công ty nhập khẩu lô hàng này có liên quan đến Tiến. Tiếp tục khám xét các kho hàng ở quận Bình Tân, Bình Thạnh... cảnh sát thu giữ nhiều vật chứng liên quan. Một tháng sau, Tiến và 4 người khác bị khởi tố.
Quá trình mở rộng điều tra, cảnh sát xác định có ít nhất 11 người thuộc các công ty giám định đã cung cấp cho Tiến hơn 1.000 chứng thư giám định hàng hóa khống, giúp ông này hoàn thiện hồ sơ, buôn lậu trót lọt nhiều chuyến hàng điện máy, điện tử đã qua sử dụng (mặt hàng cấm nhập khẩu) từ Nhật Bản, Đài Loan về bán.
Cơ quan điều tra xác định, Tiến là cán bộ phòng chống buôn lậu nhưng đã chủ mưu thành lập 47 pháp nhân công ty liên kết với các công ty giám định, lập các chứng thư khống, nhập khẩu 1.282 container, với trị giá tính thuế hơn 192 tỷ đồng.
Theo quy định, doanh nghiệp chỉ được phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm, hoặc phải có văn bản ủy thác nhập khẩu, nếu nhập khẩu theo ủy thác. Để thông qua việc nhập khẩu hàng, thủ tục phải bao gồm các chứng thư giám định kết luật hàng đáp ứng các điều kiện.
Quốc Thắng - Nga Nga