Trong các vụ đơn phương ly hôn chồng ngoại, nhiều tòa địa phương từ chối thụ lý do hướng dẫn của TAND Tối cao. Riêng TAND Đà Nẵng lại linh hoạt giải thoát mối quan hệ hôn nhân vốn chỉ còn trên giấy cho các cô gái.
Thực tiễn xét xử, gặp trường hợp đơn phương ly hôn chồng ngoại, nếu người chồng mang quốc tịch ở một nước có ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam, các tòa địa phương mới thụ lý. Thụ lý rồi mà hết thời hạn xét xử vẫn chưa có kết quả ủy thác tư pháp (vốn rất nhiêu khê), tòa tạm đình chỉ giải quyết. Vì vậy, nhiều cô gái đã phải chôn vùi tuổi xuân, không thể lập hạnh phúc mới bởi mối quan hệ vốn chỉ còn trên giấy kia.
Phó Chánh án TAND Đà Nẵng Đặng Ánh cho biết nếu ngay từ đầu, người vợ cung cấp được địa chỉ rõ ràng, cụ thể ở nước ngoài của người chồng (kể cả Việt kiều lẫn người nước ngoài hoàn toàn) tòa sẽ thụ lý và tống đạt các giấy tờ cho người chồng thông qua đường bưu điện bằng hình thức bảo đảm. Sau khi đã cố gắng để tống đạt giấy tờ vẫn không có hồi âm, tòa sẽ xử vắng mặt người chồng theo hướng chồng cố tình che giấu địa chỉ để giải phóng hôn nhân cho người vợ.
![]() |
Theo thẩm phán Ánh, hầu hết các vụ ly hôn chồng ngoại ở Đà Nẵng đều xuất phát từ nguyên nhân người vợ bị chồng bỏ rơi, không đưa đi xuất cảnh. Thực tế nhiều vụ, sau khi tòa tống đạt qua đường bưu điện bảo đảm, người chồng cũng có hồi âm lại, trong đó ghi rõ là họ không lo được chi phí để đưa vợ sang nước ngoài định cư. Từ đó, họ đồng ý ly hôn với vợ và xin vắng mặt tại phiên tòa.
Ngoài ra, theo Thẩm phán Ánh, nếu ngay từ đầu, người vợ không cung cấp được địa chỉ cụ thể, rõ ràng ở nước ngoài của người chồng, TAND Đà Nẵng sẽ chia thành hai dạng để dễ xử lý:
Dạng thứ nhất là đối với người chồng Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài, tòa sẽ tìm người thân của họ còn ở Việt Nam, từ đó lần ra địa chỉ mới của người chồng để tống đạt qua đường bưu điện bảo đảm. Đồng thời, tòa cũng gửi giấy tờ thông qua thân nhân để lấy ý kiến của người chồng.
Trường hợp người chồng không còn thân nhân ở Việt Nam, tòa sẽ tống đạt theo con đường ủy thác tư pháp nếu như nước bạn có ký hiệp định tương trợ tư pháp với nước ta. Nếu nước bạn không ký hiệp định tương trợ tư pháp, tòa sẽ dựa vào mối quan hệ “có qua có lại” để nhờ tòa án nước bạn tống đạt giấy tờ giùm (trong các vụ tòa thụ lý, nước sở tại của người chồng đều có quan hệ “có qua có lại” với Việt Nam). Khi đó, tòa sẽ dịch những giấy tờ liên quan sang tiếng nước sở tại của người chồng để nhanh có kết quả.
Dạng thứ hai, nếu người chồng là người nước ngoài hoàn toàn, tòa sẽ thông qua Bộ Ngoại giao để tiến hành thủ tục ủy thác tư pháp hoặc nhờ tống đạt giấy tờ bằng hình thức “có qua có lại”.
Ở cả hai dạng này, nếu tống đạt giấy tờ qua đường bưu điện bảo đảm mà không có hồi âm hoặc cơ quan ngoại giao thông báo không tìm được địa chỉ của người chồng hay việc ủy thác không có kết quả, tòa sẽ xử vắng mặt người chồng theo hướng đương sự cố tình che giấu địa chỉ.
Thẩm phán Ánh còn cho biết thêm: Nếu người vợ chỉ yêu cầu chấm dứt quan hệ vợ chồng, tòa sẽ cân nhắc giải quyết nhanh hơn. Còn những trường hợp có tranh chấp về tài sản, con cái tòa mới phải chờ đợi kết quả trả lời.
Trái với sự linh hoạt của TAND Đà Nẵng, các tòa tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng… đều cương quyết từ chối nhận đơn xin ly hôn chồng ngoại nếu nước sở tại của người chồng không ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam. Trong khi đó, số nước ký hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề gia đình với nước ta chỉ đếm trên đầu ngón tay (không có các nước mà công dân lấy vợ Việt nhiều như Mỹ, Hàn Quốc...).
Riêng TAND TP HCM, từ năm 2003 đã vận dụng Nghị quyết 01 ngày 16/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để giải quyết theo hướng: Sau hai lần thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp hợp lệ (kể cả nhờ tòa án nước bạn bằng hình thức “có qua có lại”) mà không có kết quả, tòa sẽ xử cho người vợ được ly hôn vắng mặt chồng ngoại.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2010, sau khi TAND Tối cao chỉ đạo các tòa địa phương tạm đình chỉ vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài mà hết thời hạn chuẩn bị xét xử vẫn chưa có kết quả ủy thác tư pháp, TAND TP HCM cũng “xếp hồ sơ”. Theo Chánh án TAND TP HCM Bùi Hoàng Danh, đến nay vẫn chưa có công văn hướng dẫn mới nên phải chờ. Tòa này cũng không tống đạt giấy tờ qua đường bưu điện bảo đảm như TAND Đà Nẵng.
Bao giờ mới được 'tháo cũi sổ lồng'? Là kỹ thuật viên dựng cảnh hậu kỳ phim, một cô gái trẻ trung, xinh đẹp ở thị xã Tây Ninh được nhiều người theo đuổi nhưng gánh nặng gia đình của cô khiến họ đều chùn bước: Mẹ mất sớm, cha bị tai biến mạch máu não nằm liệt giường, em trai mắc bệnh Down cả ngày ngơ ngẩn, bà nội và bà ngoại đều đã ngoài 90 tuổi. Trong lúc quá khó khăn, cô qua môi giới lấy chồng Đài Loan. Ngỡ rằng người đàn ông lớn hơn mình 17 tuổi sẽ yêu chiều vợ trẻ, cô đâu ngờ gặp phải gia đình chồng quá khắc nghiệt. Không chịu đựng nổi, cô ôm đứa con vừa tròn 3 tuổi bỏ về nước. Từ năm 2006, cô nộp đơn xin ly hôn ở TAND tỉnh Tây Ninh nhưng vì việc ủy thác tư pháp không có kết quả nên tòa tạm đình chỉ giải quyết. Nay đã bước qua tuổi 30, cô vẫn chưa tìm được bến đậu vì không người đàn ông nào chịu chờ cho đến ngày cô được “tháo cũi sổ lồng”, còn cô cũng chẳng biết đến bao giờ mới được tự do để mà hứa hẹn. |
Theo Pháp luật TP HCM