Ngày 23/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố bị can, tạm giam ông Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông) để điều tra tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3, điều 220 Bộ luật hình sự năm 2015. Nhà riêng của ông Tuấn tại ngõ Quan Thổ 1 (quận Đống Đa, Hà Nội) bị khám xét từ 14h30, kéo dài hơn một tiếng.
Cùng ngày, người tiền nhiệm của ông Tuấn là ông Nguyễn Bắc Son (Bộ trưởng Thông tin Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016) đã bị bắt.
Theo nhà chức trách, việc truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Tuấn nằm trong diễn biến điều tra mở rộng vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone và các đơn vị liên quan, khởi tố từ tháng 7/2018.
Cuối tháng 10/2018, sau hơn hai năm lãnh đạo Bộ Thông tin truyền thông, ông Tuấn bị Quốc hội miễn nhiệm chức vụ theo đề nghị của Chính phủ. Khi bị bắt, ông Tuấn đang làm Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Bộ Chính trị trong tháng 7/2018 kết luận ông Tuấn có những "vi phạm rất nghiêm trọng" liên quan dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG".
Ông Tuấn bị xác định vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo trong quá trình được phân công chỉ đạo thực hiện dự án; ký quyết định số 236, ngày 21/12/2015 của Bộ Thông tin Truyền thông phê duyệt dự án và một số văn bản có liên quan trái quy định, ban hành văn bản không thuộc nhiệm vụ được phân công...
Liên quan vụ án xảy ra Tổng công ty Viễn thông MobiFone và các đơn vị liên quan, nhà chức trách đã khởi tố gần 10 cán bộ trong đó có ông Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc MobiFone), bà Phạm Thị Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc), Lê Nam Trà (cựu chủ tịch Hội đồng thành viên, cựu tổng giám đốc MobiFone) và Phạm Đình Trọng (48 tuổi, cựu vụ trưởng Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Thông tin Truyền thông).
Thanh tra Chính phủ xác định việc MobiFone mua AVG là vi phạm kinh tế rất nghiêm trọng. Dự án có tổng mức đầu tư là 8.900 tỷ đồng, tuy nhiên những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của MobiFone dẫn đến nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp này khoảng 7.006 tỷ đồng... Trách nhiệm đầu tiên thuộc về Bộ Thông tin truyền thông.
Trong tháng 9/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân liên quan vi phạm tại dự án MobiFone mua AVG.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 721 ngày 24/11/2015 gửi Thủ tướng, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án là không đúng quy định tại Luật Đầu tư. Bộ Tài chính với trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực tài chính, liên quan trực tiếp đến việc thực hiện cổ phần hóa MobiFone, song đã không kịp thời đưa ra phân tích, đánh giá, đề xuất đầy đủ, toàn diện về tác động trực tiếp của việc doanh nghiệp, bỏ số vốn rất lớn để đầu tư dự án, ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình cổ phần hóa...
Văn phòng Chính phủ chưa có đầy đủ hồ sơ dự án nhưng đã gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính; tổng hợp, phân tích, đưa ra ý kiến thẩm tra, trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho MobiFone mua cổ phần của Công ty AVG để phát triển dịch vụ truyền hình...
Dự án MobiFone nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG không thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước nhưng trên cơ sở đề nghị của Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an đã đưa tài liệu giao dịch này trong danh mục tài liệu bí mật của Bộ Thông tin Truyền thông với mức độ "Mật". Việc thực hiện bảo mật vụ việc mua bán, không giới hạn về thời gian bảo mật thông tin, là chưa phù hợp...
Khoản 3 điều 220 Bộ luật Hình sự 2015 (tội Vi phạm quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng): Người nào phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.