Tòa án Quận Trung tâm Seoul ngày 22/10 thông báo đã phê duyệt lệnh bắt khẩn cấp đối với cựu bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook và cựu tư lệnh cảnh sát biển Kim Hong-hee.
Lệnh bắt khẩn cấp được phê chuẩn với lý do hai nghi phạm có khả năng tiêu hủy chứng cứ và đào tẩu, sau cuộc điều tra của các công tố viên về vụ nổ súng ở ranh giới trên biển giữa Hàn Quốc và Triều Tiên vào năm 2020 khiến Lee Dae-jun, quan chức ngư nghiệp Hàn Quốc, tử vong.
Ông Lee mất tích hôm 21/9/2020 khi làm nhiệm vụ gần đảo Yeonpyeong ở ranh giới trên biển giữa hai nước. Triều Tiên sau đó xác nhận người này đã bị bắn chết trong hải giới, đồng thời cho rằng sự việc xảy ra là do Hàn Quốc "không kiểm soát được công dân ở những điểm nóng nhạy cảm, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng do đại dịch Covid-19".
Văn phòng Công tố Tối cao Seoul đã điều tra Suh Wook và Kim Hong-hee với cáo buộc lạm quyền và làm giả hồ sơ liên quan vụ nổ súng. Cựu bộ trưởng quốc phòng Suh Wook còn đối mặt cáo buộc tiêu hủy bằng chứng.
Vụ án được cơ quan công tố đẩy nhanh sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol nhậm chức. Phe bảo thủ cho rằng vụ nổ súng trên vùng biển liên Triều năm 2020 cho thấy chính quyền của cựu tổng thống Moon Jae-in cố ý nhân nhượng Bình Nhưỡng nhằm cải thiện quan hệ.
Đảng Dân chủ của cựu tổng thống Moon Jae-in chỉ trích cuộc điều tra, cho rằng đây là hành động mang động cơ chính trị. Họ cáo buộc cơ quan công tố "bẻ cong sự thật" để ủng hộ "mục đích chính trị" của Tổng thống Yoon.
Hội đồng Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc, trực thuộc Văn phòng Tổng thống, tuần trước chuyển cho cơ quan công tố danh sách 20 người cần điều tra liên quan vụ án, trong đó có Suh và Kim. Cơ quan này cho rằng chính quyền cựu tổng thống Moon Jae-in không có biện pháp thực chất nhằm giải cứu Lee Dae-jun sau khi nhận tin báo người này mất tích gần vùng biển Triều Tiên.
Sau khi các bên xác nhận lính biên phòng Triều Tiên nổ súng khiến Lee Dae-jun thiệt mạng, các quan chức chính quyền Moon Jae-in đưa ra nhận định Lee tìm cách đào tẩu sang Triều Tiên vì nợ nần do cờ bạc và mâu thuẫn gia đình.
Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống của ông Yoon Suk-yeol cáo buộc chính quyền tiền nhiệm ém nhẹm một số bằng chứng cho thấy Lee Dae-jun không có động cơ hợp lý để đào tẩu.
Cơ quan công tố cho rằng cựu bộ trưởng quốc phòng Suh Wook đã được chỉ đạo hủy 60 báo cáo tình báo quân sự liên quan vụ nổ súng, đồng thời trì hoãn ra thông cáo về cái chết của Lee Dae-jun. Cơ quan cảnh sát biển bị cáo buộc thay đổi phân tích về hướng trôi dạt của Lee Dae-jun khi mất tích, nhằm củng cố giả thuyết người này đào tẩu.
Người đại diện cho Suh Wook và Kim Hong-hee chưa bình luận về các cáo buộc.
Hồi tháng 6, vài tuần sau khi ông Yoon Suk-yeol nhậm chức, Bộ Quốc phòng và Cảnh sát biển Hàn Quốc mở lại hồ sơ vụ án Lee Dae-jun. Hai cơ quan này cho rằng quá trình điều tra thực tế không chứng minh được Lee cố ý đào tẩu. Một tháng sau, Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) cáo buộc hai cựu giám đốc lạm quyền, hủy hoại bằng chứng và làm giả báo cáo sự kiện năm 2020.
Thanh Danh (Theo AP)