Khalid Payenda, cựu bộ trưởng tài chính Afghanistan, khẳng định phần lớn con số 300.000 lính và cảnh sát Afghanistan chỉ tồn tại trên giấy. Ông gọi tình trạng này là "lính ma", được thống kê khống để tướng lĩnh tham nhũng trục lợi.
"Chúng tôi thống kê bằng cách hỏi lãnh đạo tỉnh quân số và dựa vào đó để tính lương, chi phí quân nhu. Con số luôn bị thổi phồng", Payenda tiết lộ.
Theo cựu bộ trưởng Afghanistan, số liệu trên giấy có thể gấp 6 lần thực tế. Báo cáo thường gộp thêm trường hợp đào ngũ và tử trận vào biên chế. Bằng cách này, chỉ huy các đơn vị liên tục bòn rút ngân sách để tư lợi.
Trong khi quân nhân và cảnh sát thật sự làm việc hiếm được trả lương đúng hạn, lãnh đạo những nhóm vũ trang tự phát vừa lấy lương chính phủ, vừa nhận hối lộ của Taliban để án binh.
"Chúng tôi không tài nào thay đổi tình hình. Quốc hội, thống đốc đều làm việc theo cách đó. Mọi người nói suối đục từ nguồn, rằng vấn nạn có can dự từ cấp cao nhất", ông nhấn mạnh.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ tháng trước, Tổng thanh tra đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (SIGAR) John Sopko nhận định tương tự. Theo ông, các cơ quan chính phủ Mỹ, gồm Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID), đánh giá không đúng tác động trên thực tế của các khoản viện trợ.
"Chính phủ Afghanistan tạo ra vô số cá nhân không tồn tại và chúng ta vẫn trả lương cho họ", ông tuyên bố.
Theo Sopko, Washington bỏ qua cơ hội "chọn đúng người, đúng thời điểm cho những vị trí cần thiết". Nỗ lực tái thiết Afghanistan của Mỹ và phương Tây không được giám sát kỹ lưỡng, dẫn đến kịch bản không thể tránh khỏi là chính quyền dân cử sụp đổ chóng vánh khi Taliban tiến quân tổng lực.
Trung Nhân (Theo Sputnik)