Sayed Sadaat, 50 tuổi, đều đặn đạp xe đi giao hàng 6 tiếng các ngày trong tuần và từ trưa tới 22h vào các ngày cuối tuần. Ông mặc áo màu cam đặc trưng, mang chiếc ba lô vuông lớn, đi giao pizza hoặc các đơn đặt hàng hàng khác cho khách.
"Không có gì phải xấu hổ cả. Công việc là công việc", ông chia sẻ hôm 29/8. "Nếu có một công việc, nghĩa là công chúng có nhu cầu. Phải có người làm việc đó".
Sadaat là một trong số hàng nghìn người Afghanistan tới Đức những năm qua. Từ năm 2015, khi châu Âu chứng kiến dòng người khổng lồ chạy trốn khỏi các cuộc chiến tranh, chủ yếu từ Syria và Iraq, khoảng 210.000 người Afghanistan đã xin tị nạn ở Đức. Điều này khiến họ trở thành nhóm xin tị nạn lớn thứ hai ở quốc gia đông dân nhất châu Âu, sau người Syria.
KhiTaliban trở lại nắm quyền giữa tháng này, Đức cũng đã sơ tán khoảng 4.000 người Afghanistan, gồm những người từng làm việc với lực lượng NATO và những người khác cần được bảo vệ.
Sadaat là bộ trưởng truyền thông Afghanistan từ năm 2016 đến năm 2018. Tuy nhiên, ông đã từ chức vì chán ngấy tình trạng tham nhũng trong chính phủ.
"Hồi tôi còn làm bộ trưởng, có sự khác biệt giữa những người thân cận của tổng thống và tôi. Họ đòi hỏi lợi ích cá nhân, còn tôi muốn tiền cho các dự án của chính phủ được thực hiện đúng cách. Vì vậy, tôi không thể thực hiện yêu cầu của họ và sau đó họ cố gây sức ép với tôi, gây áp lực cả từ phía tổng thống", ông cho hay.
Sau khi từ chức, ông nhận công việc tư vấn trong lĩnh vực viễn thông ở Afghanistan. Nhưng đến năm 2020, tình hình an ninh trở nên tồi tệ. "Vì vậy, tôi quyết định ra đi", Sadaat nói.
Là công dân mang hai quốc tịch Anh và Afghanistan, Sadaat quyết định chuyển đến Đức vào cuối năm 2020, trước Brexit. Ông có thể tìm việc ở Anh, nhưng chọn đến Đức vì nhận thấy có nhiều cơ hội hơn.
Ông đến Đức một mình và từ chối nói về gia đình. Vì không biết tiếng Đức, Sadaat rất vất vả mới xin được việc làm. Đại dịch Covid-19 khiến kế hoạch học tiếng Đức của ông bị trì hoãn.
Hiện ông tham gia các lớp học ngôn ngữ 4 giờ một ngày, trước khi đạp xe đi giao hàng cho công ty giao đồ ăn Lieferando. Công việc này được trả tới 15 euro (18 USD) một giờ, đủ cho chi phí sinh hoạt của ông, gồm tiền thuê nhà 420 euro (495 USD) một tháng.
Sadaat không hối hận về quyết định chuyển đến Đức. "Thử thách này chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, cho đến khi tôi kiếm được công việc khác", ông nói, đồng thời chia sẻ những lợi ích thể chất của việc đạp xe 1.200 km mỗi tháng.
Với việc Taliban tái kiểm soát Afghanistan và NATO rút quân, Sadaat nhận thấy cơ hội nghề nghiệp có thể mở ra cho ông ở Đức.
"Tôi có thể tư vấn cho chính phủ Đức về Afghanistan để người dân Afghanistan được hưởng lợi vì tôi phản ánh bức tranh chân thực ở đó", ông nói, song thừa nhận chưa liên hệ với giới chức Đức về vấn đề này.
Về Taliban, ông tin rằng họ có thể đã "rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ" về các vấn đề nhân quyền, nữ quyền. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế không quay lưng với Afghanistan và tiếp tục hỗ trợ kinh tế.
Khi ca làm việc của Sadaat bắt đầu vào giữa trưa, ông xem đơn đặt hàng trên điện thoại của mình. "Tôi phải đi ngay bây giờ", ông nói, băng qua cơn mưa để giao đơn đầu tiên trong ngày.
Huyền Lê (Theo AFP)