Cơn mưa rào suốt đêm 11/7 xua đi cái oi bức mùa hè nơi biên giới Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang). Từng đoàn cựu binh nối gót nhau lên cao điểm 468, nơi đặt đài hương và nhà tưởng niệm liệt sĩ Vị Xuyên. Đây là lần đầu tiên họ có một nơi để chính thức tưởng niệm đồng đội.
Năm nay, các đoàn đổ về đông hơn, ngoài những người lính Sư đoàn 356, 313, 316 từng tham chiến ở Vị Xuyên, nhiều cựu binh đóng quân ở Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) suốt 10 năm chiến tranh biên giới cũng tìm về viếng đồng đội.
Ông Lê Thành Công, cựu đặc công Tiểu đoàn 406, Trung đoàn 821 trực thuộc Quân khu 2 quê Yên Mỹ (Hưng Yên) giơ cao tấm biển "Cựu chiến binh Hưng Yên tìm đồng đội D406 E821 Đặc công", phía sau là số điện thoại của ông.
Tháng 7/1984, đơn vị ông tham gia chiến dịch MB84 để giành lại các điểm cao bị quân Trung Quốc chiếm trái phép. Trong trận mở màn chiến dịch ngày 12/7, tiểu đoàn ông chia làm nhiều mũi phối hợp với bộ binh tiến công cao điểm. Riêng tiểu đội của ông Công nhận lệnh luồn sâu, mở cửa vào bình độ 233 cho bộ binh ở phía sau. Trận đánh khốc liệt khiến đồng đội hy sinh gần hết, chiến sĩ Công bị thương ở đầu, ngực ngất đi.
Sau này, ông được chuyển về tuyến sau an dưỡng một thời gian rồi ra quân. Người lính phục viên về quê, đi học sư phạm rồi làm thầy giáo tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Phố Nối. Đứng trên bục giảng, có thời gian ông vẫn kể cho học sinh nghe về cuộc chiến nơi biên giới Hà Giang.
Nhiều năm ông không quay lại chiến trường một phần vì sức khỏe, một phần vì thấy lạc lõng vì dường như chẳng ai nhớ đến Vị Xuyên. "Trước đây khi nghe tôi kể về cuộc chiến, về sự hy sinh của bộ đội cũng ít ai tin, có người còn cho rằng tôi bốc phét", giọng buồn rầu ông nói. Gần đây, cái tên Vị Xuyên và cuộc chiến mới được nhắc lại nhiều, tâm niệm đi tìm đồng đội cũ lại nhen nhóm trong ông.
Về biên giới, ông Lê Thành Công đưa hai con gái Lê Thị Minh Phương (24 tuổi) và Lê Thị Phương Thảo (17 tuổi) đi cùng. Ba bố con cùng cựu chiến binh Sư đoàn 314 Nguyễn Văn Hòa bắt xe khách đi hơn 300 km từ sáng 11/7 đến chiều muộn tới Hà Giang. Tới nơi, 4 người đi thẳng vào nghĩa trang thắp hương cho các liệt sĩ.
Đến địa điểm nào ông đều giới thiệu cặn kẽ cho hai con biết lịch sử và nơi diễn ra những trận đánh. Ông hy vọng bọn trẻ được tận mắt chứng kiến và tin những gì bố nói chứ không chỉ biết đến Vị Xuyên qua báo chí hoặc trên mạng xã hội.
"Sau hơn 30 năm, tôi mới thấy mình làm được nhiều việc đến thế, viếng nghĩa trang, lên đài hương, thăm lại chiến trường… Nếu tìm được đồng đội cũ thì càng toại nguyện hơn", ông nói. Điều người lính già ấn tượng nhất là chiến trường nham nhở chỉ một màu xám trắng của đất và khói pháo năm xưa giờ phủ một màu xanh đầy sức sống.
Ảnh: Cựu binh Lê Thành Công tìm đồng đội
Minh Phương, con gái lớn của ông mới tốt nghiệp Đại học Y Hải Phòng chia sẻ, lần đầu tiên được lên biên giới, tận mắt nhìn thấy những cao điểm nơi bố cô cùng hàng nghìn đồng đội đổ xương máu để giành giật, giữ lại từng tấc đất biên cương. 24 tuổi, cô chưa từng được biết đến cuộc chiến này mà chỉ nghe đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Phương kể, trước chuyến đi bố cô háo hức như một đứa trẻ được quà, lên kế hoạch trước cả tháng trời, sẽ đưa các con đi những đâu. Lúc sắp đi, ông cùng với chú Hòa hẹn nhiều người, nhưng về sau mọi người có việc nên không đi được khiến ông rất buồn.
Suốt buổi sáng 12/7, tấm biển tìm đồng đội đã giúp ông Công gặp được cựu binh Đào Ngọc Chung (quê Yên Bái) cùng đơn vị. Ông Chung nguyên là quân y bệnh xá của Trung đoàn 821. "Dù trước đó anh em tôi chưa từng gặp nhau nhưng thấy cùng trung đoàn là mừng lắm rồi. Hàng chục năm quay lại Vị Xuyên, lần đầu tiên tôi gặp được đồng đội", ông Chung xúc động.
Nhìn thấy hai bạn già mừng tủi ôm nhau, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hòa, Trung đoàn 818, Sư đoàn 314 trực tiếp chiến đấu ở Vị Xuyên từ tháng 3/1984 không giấu được xúc động. "Tôi ủng hộ việc đồng đội đưa các con về thăm lại chiến trường để cho bọn trẻ biết được lịch sử", ông nói.
Bị mất một chân, cựu chiến binh Nguyễn Văn Chương, lính Tiểu đoàn 149, Sư đoàn 356 quê Thái Bình, vẫn cố leo lên nhà tưởng niệm. Chân phải của ông nằm lại chiến trường tháng 1/1985 (ngày 25 Tết) khi đơn vị giằng co với quân Trung Quốc để giữ bình độ 300. Cuộc sống sau ra quân vất vả khiến ông không có điều kiện đi xa cũng như tìm đồng đội. Năm nay, hội cựu chiến binh Sư đoàn 356 Thái Bình quê ông tổ chức về Vị Xuyên, ông đăng ký ngay.
Gặp lại nhau, đồng đội vẫn nhớ mặt, trêu gọi ông là Chương lựu đạn, Chương tham báo… Cùng với những cái ôm, bắt tay thật chặt là các câu cửa miệng chào hỏi nhau Em chào thủ trưởng, Thằng Tứ C6 phải không? Hồi đó, bọn tao giữ chốt 3 tháng mới xuống, tóc dài như người rừng... Trong câu chuyện của những người may mắn trở về, tên đồng đội cũ còn nằm trên sườn núi, vách đá được nhắc đến thường xuyên.
"Chiến trường xưa khác nhiều quá nhưng khác nhất là đồng đội, râu xồm xoàm, bụng bự lên, già đi. Ngày xưa bọn tớ gầy còm, giữ chốt ba tháng mới xuống người đen xì nhưng vẫn là thanh niên trai tráng", ông Chương cười khà khà nói.
Xen giữa áo xanh của lính, có cả mẹ, vợ liệt sĩ cùng "hành quân" về Vị Xuyên. Bà Nguyễn Thị Đạo 83 tuổi lần đầu tiên đến nơi con trai Nguyễn Văn Thịnh từng chiến đấu và nằm xuống. Mấy năm nay sức khỏe yếu dần, bà bảo phải tranh thủ trước khi không đi được nữa.
Liệt sĩ Thịnh an táng tại nghĩa trang Vị Xuyên, nhiều lần đồng đội anh ngỏ lời nếu bà có ý nguyện thì họ sẽ giúp đưa về Hà Nội. Nhưng bà muốn để con nằm lại quây quần với những người lính trẻ khác cho có anh em, bạn bè. "Hồi nó đi mới 21 tuổi, trẻ lắm, thường hay đi bơm xe đạp kiếm tiền giúp mẹ. Hơn 30 năm rồi, nó vẫn còn trẻ mãi thế", bà nói.
9h sáng 12/7, hàng trăm người làm lễ chào cờ trên cao điểm và dâng hương tại Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Vị Xuyên. Công trình khánh thành hôm 25/6, trở thành nơi "hội quân" của những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Hà Giang. Nhà tưởng niệm được cựu chiến binh các đơn vị từng chiến đấu ở Hà Giang quyên góp, huy động nguồn vốn xã hội hóa, xây trên cao điểm 468, rộng hơn 1.000 m2.
Ông Hoàng Thế Cương, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 356 tại Hà Giang nhắc lại ký ức hào hùng của ngày 12/7/1984 cách đây 32 năm. Để ngăn quân Trung Quốc tràn xuống lấn chiếm khắp dải biên giới Hà Giang, những người lính buộc phải cầm súng để chiến đấu.
Những Thanh, những Đa, những Hà, những Lý
Tiến, Công, Ký, Kết, Chỉ, Ngọ, Thêm...
Tất cả anh em có còn thiếu ai không?
Xin mời các đồng đội về đài hương và nhà tưởng niệm
Ba mươi hai năm qua các đồng đội không thêm một tuổi nào
Còn chúng tôi cứ già đi và dãi dầu theo năm tháng.
Từ ngày 28/4 đến 16/5/1984, quân Trung Quốc lần lượt chiếm đóng trái phép nhiều vị trí trên lãnh thổ Việt Nam, gồm các cao điểm 226, 233, 685, 772, 1030, 1250, 1509 thuộc tỉnh Hà Giang. Sư đoàn 356 được điều từ Lào Cai sang cùng các lực lượng của Sư đoàn 312, 313, 314, 316 thực hiện Chiến dịch MB 84 nhằm chiếm lại các điểm cao đã mất. Mặt trận Vị Xuyên từ sau ngày 12/7/1984 không lúc nào ngơi tiếng súng. Cuối năm 1984, đầu năm 1985, hai bên giành nhau quyết liệt cao điểm 685 và bình độ 300-400. Thời kỳ sau này, dưới sự chỉ đạo của thiếu tướng Hoàng Đan, tư lệnh mặt trận Vị Xuyên, bộ đội Việt Nam thực hiện chiến thuật đánh lấn dũi, tái chiếm và giữ vững điểm cao 685. Mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thuỷ được xác định là vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống lấn chiếm biên giới phía Bắc 1984-1989. |
Hoàng Phương
Xem thêm:
>>Hàng nghìn chiến sĩ thương vong ngày cao điểm trận chiến Vị Xuyên
>>35 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc