Đây là công việc một mình ông Ta phụ trách 13 năm qua ở di tích thuộc xã Tam Thăng. Cựu binh 67 tuổi đội mũ tai bèo, lần lượt dẫn khách vào tìm hiểu địa đạo Kỳ Anh và đình làng Thạch Tân - di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia được công nhận tháng 5/1997.
Ông Ta nhập ngũ khi 18 tuổi, tham gia chiến trường biên giới Tây Nam. Năm 1982, ông rời quân ngũ về quê. Tại địa phương, ông công tác đoàn, cán bộ hợp tác xã và hội cựu chiến binh, trưởng thôn.
Năm 2012, ông làm bảo vệ tại khu di tích địa đạo Kỳ Anh và được ngành văn hóa giao cho quản lý và đào tạo để làm hướng dẫn viên phục vụ du khách tham quan. Sinh ra vùng đất Tam Thăng, chứng kiến cuộc chiến, cha ông đào địa đạo, chiến đấu nên công việc thuyết minh với ông khá thuận lợi.
Năm 1964, trong chiến tranh chống Mỹ, khu vực ven đô và vùng đồng bằng, TP Tam Kỳ được chia thành hai vùng chiến lược. Vùng đông là xã Kỳ Anh nay là xã Tam Thăng và vùng tây là huyện Phú Ninh.
Thời điểm đó, người dân và cán bộ chiến sĩ tận dụng đình làng có vị trí thuận lợi cùng yếu tố tâm linh có thể tránh sự dòm ngó của địch. Người dân địa phương đào hai căn hầm ngay dưới nền đình để làm nơi cứu thương và chứa lương thực tiếp tế cho vùng tây bắc Tam Kỳ chống Mỹ.

Du khách tham quan địa đạo Kỳ Anh. Ảnh: Đắc Thành
Từ hai căn hầm này, tháng 5/1965, bộ đội, du kích và người dân đào địa đạo để trú ẩn, nuôi giấu cán bộ, đến năm 1967 hoàn thành. Tuyến địa đạo dài 32 km, rộng 0,5-0,8 m, cao 0,8-1m trở thành thành trì giúp quân dân Kỳ Anh tổ chức phản công, tập kích địch bất ngờ khi giặc càn quét.
Địa đạo hình ô bàn cờ, quanh co uốn khúc, nhiều ngõ ngách, nên có lần phát hiện ra địch vẫn không dám xuống. Trong làng Thạch Tân, địa đạo men theo các bụi tre, lùm bụi, cây rơm... chạy khắp xã và có miệng hầm để tránh trú dễ dàng. Chiến tranh kết thúc, địa đạo bị sụt lún hư hỏng nhiều.
Hiện mới có khoảng 200 m được khôi phục, đưa vào khai thác du lịch. Theo ghi chép của địa phương, từ năm 1965 đến 1975, quân và dân Kỳ Anh đánh địch 1.052 trận, tiêu diệt hơn 3.700 tên. 3 máy bay, 15 xe quân sự của địch cũng bị bắn rơi tại xã này.
Năm 2017, ngoài khách trong nước, địa đạo Kỳ Anh bắt đầu mở cho khách nước ngoài tham quan. Khách đi đoàn thì có hướng dẫn viên để phiên dịch, còn khách lẻ không có. "Mỗi lúc họ đến, tôi dẫn đi nhưng không biết giao tiếp, dùng tay chỉ chỏ và ký hiệu", ông kể, thêm rằng bản thân rất bực bội khi không giao tiếp được tiếng Anh.
Để khắc phục, ông mua sách vở về học tập. Ba người con của ông tốt nghiệp đại học, nói được tiếng Anh giúp đỡ. Song vì lớn tuổi, trình độ học vấn thấp nên tiếp thu chậm. Ông chỉ nói được vài câu chào hỏi, trao đổi đơn giản.
Ông nhờ các con soạn sẵn một bài thuyết minh và học thuộc khi đưa du khách tham quan nhưng vẫn thấy bất tiện. "Mình giới thiệu nhưng khi họ hỏi thì không hiểu để trả lời", ông kể, thêm rằng khách nước ngoài đến sau câu chào hỏi thì dùng tay chỉ.

Du khách nước ngoài tham quan hầm chỉ huy trong hệ thống địa đạo Kỳ Anh. Ảnh: Đắc Thành
Đầu năm 2023 qua gợi ý của các con, ông đang dùng điện thoại "cục gạch" bỏ ra 5 triệu đồng mua điện thoại thông minh. Ông đăng ký mạng 3G mỗi năm 1,5 triệu đồng và nhờ các con bày cách sử dụng Google dịch để hướng dẫn khách tham quan. "Công nghệ này giúp tôi giao tiếp được với du khách nước ngoài. Ngoài tiếng Anh còn có nhiều ngôn ngữ khác", ông nói. Để phù hợp khi nói chuyện với ứng dụng, ông tập cách nói chuyện ngắn gọn nhưng đầy đủ nội dung. Điều này giúp thông tin dịch ra chuẩn xác.
Đón tiếp hai du khách đến từ Australia đến tham quan, ông Ta mở ứng dụng để giới thiệu. Bằng giọng nói ông phát ra, ứng dụng sẽ phiên âm qua tiếng Anh và mở cho du khách nghe. Công việc cứ lặp lại liên tục gần hai giờ đưa hai khách tham quan hết địa đạo Kỳ và hiểu biết thông tin.
Ông Huỳnh Kim Ta dùng Google dịch hướng dẫn du khách tham quan. Video: Đắc Thành
"Mỗi lần khách hỏi, tôi chuyển chế độ dịch ngược lại. Quá trình du khách muốn hỏi cái gì tôi đều giải thích hết, ông nói, thêm rằng cách làm này mất nhiều thời gian nhưng giúp trả lời hết các câu hỏi của du khách nên cảm thấy vui. "Giờ khách nước nào đến tham quan tôi đều hướng dẫn được hết, vì Google dịch được hơn 100 tiếng", ông cho biết, nói không lo ngại về việc giao tiếp khách nước ngoài.
Với công việc này, mỗi tháng ông Ta nhận lương hơn 4 triệu đồng. Việc đưa khách tham quan ông không đòi hỏi thù lao nhưng thỉnh thoảng được khách ''bo''. "Tôi tiếp tục trông coi và hướng dẫn du khách tham quan địa đạo Kỳ Anh đến lúc không còn sức khỏe", ông nói.
Thống kê từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi tháng địa đạo Kỳ Anh đón khoảng 1.000 khách nước ngoài. Đoàn khách được miễn phí vé, đi số lượng đến thường có phiên dịch, khách lẻ được ông Ta hướng dẫn bằng Google dịch.
Đắc Thành