Cựu đại tá Bùi Văn Điệp - người nhận được bức thư của cựu binh Mỹ John Wast, rất xúc động, tự hào về người chú của mình. Trong thư, John Wast kể đã giáp mặt và chiến đấu khá vất vả với anh bộ đội Bùi Đức Hưng suốt 3 ngày tại Đức Lập, tỉnh Quảng Đức (nay là Đắk Lắk).
Đến ngày thứ 3, lính Mỹ hạ được tay súng đối phương. Khâm phục lòng dũng cảm, kiên cường của anh bộ đội Bắc Việt, John Wast lật chiếc mũ cối lên để xem mặt người đã đọ súng với mình. Cánh chim bồ câu được khắc khéo léo ở mặt trong chiếc mũ lỗ chỗ vết đạn ấy làm ông giật mình, nhận ra tình yêu hòa bình lớn lao trong lòng người lính bên kia chiến tuyến.
John Wast buộc chiếc mũ vào ba lô rồi mang theo về quê hương. Suốt 46 năm qua, cựu binh Mỹ đặt kỷ vật chiến trường ấy trên kệ sách và coi như lời nhắc về giá trị của hòa bình.
“Đọc được email cựu binh Mỹ chia sẻ về lý do giữ chiếc mũ, tôi rất tự hào, về người chú - liệt sĩ Bùi Đức Hưng. Chú Hưng đã chiến đấu ngoan cường đến giây phút cuối cùng khiến kẻ địch cũng phải cảm phục. Trong chiến tranh, sự sống và cái chết là điều rất mong manh. Chúng tôi cảm ơn ông John Wast đã giữ và trao lại kỷ vật cho gia đình. Đó là một hành động thật văn hóa”, cựu đại tá Bùi Văn Điệp - cháu họ liệt sĩ Bùi Đức Hưng chia sẻ.
Sinh năm 1939 trong gia đình nghèo khó ở Hương Nộn, huyện Tam Nông, Phú Thọ, ông Hưng mồ côi cha mẹ năm 6 tuổi, họ hàng không ai đủ sức nuôi thêm một miệng ăn. Ông Hưng nay qua nhà này, mai sang nhà khác chăn trâu, giúp việc kiếm bữa cơm. Có thời gian, ông tha phương làm con nuôi cho gia đình khá giả hiếm muộn. Vì chăm chỉ, ông được bố mẹ nuôi yêu mến.
Sau đó, ông quay về làng sống trong sự đùm bọc của họ hàng và được đi học. Ông Hưng là “của hiếm” thời ấy khi học hết lớp 4.
Ông đứng lớp bình dân học vụ của làng khoảng 2 năm. Sau khi kết hôn và có con gái đầu lòng, ông Hưng chuyển đến nông trường Tam Thắng, Thanh Sơn, Phú Thọ. Tại đây, thày giáo làng được kết nạp Đảng và đến tháng 4/1967, ông làm đơn tình nguyện nhập ngũ.
“Chú ấy là con trai duy nhất trong gia đình nên mọi người gặng hỏi sao lại đăng ký đi bộ đội. Chú Hưng chỉ nhỏ nhẹ trả lời: Cả nước đi chiến đấu, mình ở nhà sao được”, bà Bùi Thị Chất (hơn 80 tuổi), chị dâu liệt sĩ Hưng kể lại.
Nhắc tới ngày ông Hưng về báo tin đi bộ đội, người cháu họ Bùi Đức Dục đỏ hoe mắt: “Chú bất ngờ về chào mọi người, ở với vợ con được một đêm rồi sáng sớm hôm sau lên đường đi B”.
Một năm sau giấy báo tử liệt sĩ Bùi Đức Hưng được gửi về. Người con duy nhất của liệt sĩ vì bệnh nặng mất khi mới 10 tuổi. “Đời anh Hưng vất vả. Anh em ruột thịt, vợ, con đều đã qua đời, việc thờ tự giờ đều do cháu họ Bùi Đức Dục chăm lo”, ông Lê Bá Quyền (82 tuổi), một người làng tâm sự.
Có mặt trong buổi trao tặng hiện vật cho gia đình, nhìn thấy chiếc mũ cối lỗ chỗ vết đạn của liệt sĩ Bùi Đức Hưng, ông Quyền bùi ngùi: “Chắc anh ấy phải hứng cả băng đạn vào người”.
Chiếc mũ cối khắc hình chim bồ câu và dòng tên Bùi Đức Hưng giờ được đặt ở vị trí trang trọng, bên bàn thờ người liệt sĩ. Họ hàng ông Hưng coi đó là tài sản vô giá và là lời nhắc con cháu luôn sống noi gương.
Thượng tá Nguyễn Thị Tiến, Phó giám đốc Bảo tàng quân khu IV, người suốt 6 tháng đi tìm chủ nhân chiếc mũ cối mà cựu binh Mỹ John Wast giữ cũng hài lòng, vì cuối cùng kỷ vật của người đã khuất được trở về quê hương. Tâm nguyện của bà là tìm cho được hài cốt liệt sĩ Bùi Đức Hưng để mang ông về quê mẹ.
Năm 1968, trên chiến trường Việt Nam, lính Mỹ trẻ John Wast thấy chiếc mũ cối có khắc hình chim bồ câu nên đã mang về nhà như một kỷ vật chiến tranh. Khi giải ngũ, ông đặt chiếc mũ lên chiếc kệ trong nhà gần nửa thế kỷ qua. Một tổ chức từ thiện có tên gọi Development of Vietnam Endeavor Fund (Quỹ Nỗ lực Phát triển Việt Nam) gần đây tới gặp và hỏi Wast liệu ông có muốn trả chiếc mũ trở về với gia đình người lính từng đội nó không. Cựu binh Mỹ đồng ý. Tổ chức này sau đó tìm được gia đình ông Hưng, người hy sinh trong chiến tranh và hài cốt vẫn chưa được tìm thấy. Wast, 67 tuổi, đang sống tại bang Ohio, không tham gia buổi lễ trao trả mũ tại Phú Thọ ngày 14/1 vừa qua, nhưng ông gửi một bức thư. Wast nói rằng liệt sĩ Hưng đã chiến đấu "bằng sự khôn khéo và can đảm". |
Quỳnh Trang