Paul đặt chân đến Sài Gòn vào mùa hè oi ả tháng 5/1968 khi mới 23 tuổi, mang theo lý tưởng của phần lớn thanh niên Mỹ lúc bấy giờ, "chiến đấu để bảo vệ tổ quốc" theo lời kêu gọi của chính phủ.
Ban đầu nhiệm vụ của anh là làm quan sát viên pháo binh tiền phương thuộc Trung đoàn Kỵ binh thiết giáp số 11, đóng quân tại Xuân Lộc, Đồng Nai. Đơn vị của Paul hoạt động trong nội và ngoại thành Sài Gòn.
Thế nhưng chưa đầy 4 tháng sau khi đến Việt Nam anh đã bị thương nặng trong một lần đi thực hiện nhiệm vụ, đơn vị của anh đã đi vào một bãi mìn. Bốn chiếc xe bọc thép nổ tung, rất nhiều người bị thương, Paul may mắn sống sót nhưng sự kiện này đã ám ảnh anh suốt cuộc đời.
Sau hai tháng nằm trên giường điều trị tại bệnh viện, Paul đã nhận nhiệm vụ khác, làm cố vấn cho Lực lượng quận sự miền Nam Việt Nam đóng quân ở khu vực Tuy Hòa, Phú Yên. Thời gian này, anh tận mắt chứng kiến sự khốn khổ của cả lính Mỹ, "Việt Cộng" và dân thường. Tất cả đều phải hứng chịu sự bạo tàn, thống khổ do chiến tranh gây ra. Paul trở nên căm ghét chiến tranh.
Đến tháng 4/1969 anh được đưa trở về Mỹ. Ở thành phố Bloomington, bang IIinois, anh trở lại giảng đường tiếp tục theo đuổi con đường học tập và sau này trở thành một giáo sư đại học. Quãng thời gian một năm ở Việt Nam đã giúp Paul "mở mắt" về cuộc đời, hiểu về sự vô nghĩa của cuộc chiến tranh Việt Nam. Anh đã trở thành một người tham gia phong trào phản chiến mạnh mẽ lan rộng trên khắp nước Mỹ. Paul tham gia vào tổ chức Những cựu binh Việt Nam phản đối chiến tranh và vẫn là thành viên cho đến nay.
Khi được hỏi về chiến tranh tại một sự kiện tại Dinh Thống Nhất, TP HCM hồi năm 2013, Paul đã không cầm được nước mắt và ghi vào sổ lưu niệm:"Người Mỹ không bao giờ nên đặt chân đến Việt Nam".
Mỗi khi cơn đau trở trời, vết thương nơi bả vai luôn khiến Paul nhức nhối và nỗi ám ảnh mang tên Việt Nam lại càng khiến anh đau khổ hơn, dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm. Rồi Paul quyết định trở lại thăm Việt Nam. Trong cả hai chuyến đi hồi năm 2005 và 2006, anh đều phải đi cùng bạn vì không thể tự quay lại mảnh đất nơi có nhiều người đã chết, trong đó có bạn bè và chính bản thân suýt mất mạng vì nó quá đau đớn.
Mãi cho tới 6 năm sau, đầu năm 2012 Paul mới dám trở lại Việt Nam một mình và có tới 4 chuyến đi trong trong năm đó vì phải lòng cả con người lẫn khung cảnh ở đây.
Trước sự ngạc nhiên của Paul khi người Việt lại thân thiện với người Mỹ dù chính người Mỹ đã tàn phá đất nước này, một người bạn giải thích với anh rằng người Việt Nam tha thứ nhưng không lãng quên lịch sử. Với Paul, chiến tranh Việt Nam vẫn còn là trải nghiệm đau đớn sâu sắc, nỗi đau đó vẫn chưa mất đi. Vì thế ông quyết định dành cuộc đời mình để lên tiếng chống lại chiến tranh qua những vần thơ phản chiến trên trang web www.vietnamwarpoetry.com. Bên cạnh đó, ông cũng làm những bài thơ Haiku yêu đời tặng bạn bè ở Việt Nam cũng như ở quê nhà mỗi ngày.
Hiện Paul dành phần lớn thời gian sống ở Vũng Tàu, ở bên gia đình nhỏ hạnh phúc cùng một người phụ nữ Việt. Ông chỉ muốn quay trở lại Mỹ như những kỳ nghỉ ngắn ngày.
Còn với Joe Attanasio, một cựu binh khác đến Việt Nam khi mới 17 tuổi, đã phải chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh ngay ngày thứ hai đến nơi này. Đơn vị của anh tại căn cứ không quân Biên Hòa, Đồng Nai bị tấn công khiến 6 người chết và 31 người bị thương. Nỗi lo sợ không thể trở về nhà khi đó bủa vây lấy họ.
Khi khám phá thành phố, Joe nhận thấy có quá nhiều trẻ em mồ côi và phụ nữ góa chồng, rất hiếm khi thấy nam giới trong độ tuổi 14-50. Kinh tế bị chiến tranh tàn phá nên nhiều người phải ly tán để kiếm kế sinh nhai. Joe bắt đầu nhận ra bộ mặt thật của chiến tranh.
Khi chuyển tới đơn vị khác tại huyện Long Bình, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam, Joe còn chứng kiến những chiếc máy bay sau trận càn hạ cánh mang theo vô số binh sĩ bị thương, những hình ảnh không thể nào phai mờ trong suốt cuộc đời anh.
Khi cuộc tổng tiến công Mậu Thân nổ ra, Long Bình trở thành quả cầu lửa, Joe một lần nữa chứng kiến cảnh nhà cửa, đường sá, đồng lúa bị tàn phá nặng nề. Tuy không có thống kê chính thức về thương vong của người dân nhưng anh chắc con số không nhỏ.
Nhằm góp một phần khắc phục hậu quả chiến tranh, trong các dự án dân sự, đơn vị của Joe hỗ trợ cho 175 trẻ mồ côi và 600 sinh viên. Joe đã viết thư về Mỹ nhờ mẹ quyên góp đồ cũ gởi qua Việt Nam để anh tặng cho các em bé mồ côi. Mẹ Joe cho đăng mẩu thông tin của con trai trên tờ Tin tức Buổi tối Buffalo. Một số đồng đội thấy vậy cũng giúp đỡ anh.
Sau đó, khi giải ngũ trở về New York, Mỹ, Joe vẫn không thể quên quãng thời gian ba năm ở Việt Nam. Anh đã dành thời gian làm thư ký trong Văn phòng hỗ trợ nạn nhân ở Fort Hamilton nhằm giúp thân nhân binh sĩ phục vụ trong chiến tranh Việt Nam tìm con em của họ.
May mắn hơn các cựu binh Mỹ khác, những người trở về từ cuộc chiến phải đấu tranh với Hội chứng rối loạn sau sang chấn (PTSD), Joe có một cuộc sống hôn nhân ấm êm và một cô con gái. Những tâm sự của ông về những năm tháng ở Việt Nam được gửi gắm vào tập thơ và ba cuốn sách tiểu thuyết lịch sử.
Tuy nhiên ông vẫn bị ám ảnh rất nhiều về chiến tranh, tới nỗi đến giờ này, ở tuổi 62, ông vẫn chưa dám chắc liệu mình có thể trở lại mảnh đất này hay không.
Kim Ngân