Akhmed Chatayev, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, lựa chọn bí danh "David Mayer" khi bắt đầu hoạt động khủng bố vào năm 2015. Hắn bị nghi đứng sau vụ tấn công sân bay ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016, khiến 41 người thiệt mạng.
Chatayev bị tiêu diệt trong cuộc đột kích của cảnh sát Gruzia cuối năm 2017. Tuy nhiên, bí danh của hắn đã làm đảo lộn cuộc sống của một cựu binh Mỹ cùng tên. David Mayer, 90 tuổi, cho biết ông phải thay đổi kế hoạch du lịch ít nhất một lần và từng bị từ chối giao hàng dù chỉ đặt mua những thứ vô hại như áp phích phim cổ điển, Guardian hôm qua đưa tin.
"Tôi gặp nhiều trở ngại khi đặt hàng chuyển từ Mỹ tới Anh. Tôi không biết bao nhiêu người gặp vấn đề như vậy. Hãy tưởng tượng nếu Chatayev dùng tên phổ biến như John Smith thì rắc rối còn lớn đến mức nào", Mayer nói.
Mayer mang cấp bậc trung úy và từng đóng quân tại Hàn Quốc, sau đó chuyển tới sống ở Anh và trở thành giáo sư kịch tại đại học Manchester suốt hàng chục năm qua. Công việc hiện tại của ông bị ảnh hưởng nhiều do cái tên "David Mayer" nằm trong danh sách khủng bố bị theo dõi.
"Tôi không nhận được thư, không được thông báo về các hội thảo. Tôi gặp nhiều khó khăn trong đàm phán với biên tập viên khi muốn xuất bản sách và tiểu luận tại Mỹ", Mayer cho biết.
Trong chuyến đi Mỹ năm 2017, ông bị cấm bay và phải mang giấy tờ chứng minh bản thân từng phục vụ trong quân đội Mỹ tới sân bay. "Giờ đây, tôi luôn mang lệnh xuất ngũ kẹp trong hộ chiếu để phòng trường hợp bị hỏi về quốc tịch, đồng thời khẳng định tôi từng là trung úy lục quân Mỹ cách đây nhiều năm", cựu binh Mỹ nói thêm.
Mayer cũng nhiều lần gửi phản hồi tới Bưu điện Mỹ vì trở ngại với các vận đơn nhưng không được phản hồi. Hàng loạt kiện hàng ông đặt mua vẫn bị trả về cho người gửi.
Đại sứ quán Mỹ tại Anh từ chối bình luận về trường hợp của Mayer, cho biết ông có thể nộp đơn khiếu nại nếu nghĩ rằng hồ sơ của mình bị đánh giá sai.
Nguyễn Tiến