"Anh ấy leo lên đỉnh Everest lúc 15h ngày 19/5. Sau khi chinh phục đỉnh núi, anh ấy đã xuống trại nghỉ và sẽ trở lại Kathmandu vào ngày mai, 22/5", Him Bista, thành viên trong nhóm của Magar, ngày 21/5 cho hay.
Magar, 43 tuổi, mất hai chân từ đùi trở xuống sau khi giẫm phải thiết bị nổ tự chế năm 2010. Lúc đó, anh đang đang tuần tra ở Afghanistan cùng sư đoàn Gurkha, cộng đồng dân tộc thiểu số Nepal đã chiến đấu trong quân đội Anh hơn 200 năm.
Hai người cụt chân từ dưới đầu gối trở xuống từng chinh phục đỉnh Everest là Mark Inglis người New Zealand năm 2006 và Xia Boyu người Trung Quốc năm 2018.
Với chiếc chân giả, Magar đã chèo thuyền quanh đảo Wight, đảo lớn nhất của Anh, leo một số đỉnh núi như đỉnh Toubkal ở Morocco, đỉnh Ben Nevis ở Scotland, Mont Blanc ở châu Âu.
Suốt nhiều năm, anh không thể chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới Everest ở độ cao 8.849 mét bởi luật Nepal cấm người cụt chi và người mù leo núi. Tòa án Nepal đã xóa bỏ luật này năm 2018 dưới sức ép từ những người leo núi như Magar.
"Miễn là ta có thể điều chỉnh cuộc đời tùy thời gian và hoàn cảnh, ta có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn. Không có giới hạn, bầu trời là giới hạn", Magar nói vào tháng trước trên đường hướng lên đỉnh Everest.
Nepal là quê hương của 8 trong số 10 đỉnh núi cao nhất thế giới. Mỗi năm, nơi đây chào đón hàng trăm nhà thám hiểm vào mùa xuân, khi nhiệt độ ôn hòa và gió trên Himalaya bớt dữ dội.
Bigyan Koirala, quan chức du lịch Nepal, cho hay gần 450 người leo núi đã chinh phục đỉnh Everest trong mùa leo núi này. Giới chức đã cấp phép cho 478 người, với mức phí 11.000 USD mỗi người.
Đa số người leo núi cần hướng dẫn viên, nên dự kiến hơn 900 người sẽ leo lên đỉnh Everest trong mùa leo núi kéo dài tới tháng 6. 9 người đã thiệt mạng trong mùa thám hiểm năm nay.
Hồng Hạnh (Theo AFP)