Trong đơn kêu cứu gửi báo VnExpress và các cơ quan trung ương, ông Nguyễn Hồng Khanh, cựu bí thư thị xã Bến Cát cho rằng việc Công an tỉnh Bình Dương tiếp tục truy cứu ông về tội Vi phạm quy định quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí là gây oan sai, đau khổ cho ông và gia đình.
Hồ sơ thể hiện, năm 2016, Công an Bình Dương nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Hiệp Hòa, con trai bà Hồ Thị Hiệp (Giám đốc Công ty An Tây, đã chết năm 2016) cho rằng ông Khanh đã móc nối với các cán bộ ngân hàng - nơi bà Hiệp vay tiền, để buộc phải bán rẻ tài sản.
Qúa trình điều tra, các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương kết luận, năm 2005 đến 2008, bà Hiệp vay của Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn hơn 72 tỷ đồng. Tài sản thế chấp gồm: quyền sử dụng hơn 117.000 m2 đất nông nghiệp tại huyện Bến Cát (nay là thị xã); giấy chứng nhận quyền sử dụng hơn 2 ha đất phi nông nghiệp của Công ty An Tây; nhà xưởng cùng toàn bộ máy móc phục vụ sản xuất trị giá hơn 9,6 tỷ đồng và quyền sử dụng hơn 76.000 m2 đất do bà Nguyễn Hiệp Hảo (con gái bà Hiệp) đứng tên. Tổng giá trị tài sản đảm bảo là hơn 80 tỷ đồng.
Đến năm 2008, Công ty An Tây gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ nên Ngân hàng BIDV đã đưa khoản vay này vào danh mục nợ xấu. Cũng thời điểm này, bà Hiệp xin rút tài sản là 2 ha đất phi nông nghiệp do Công ty An Tây đứng tên để thế chấp vay ngân hàng khác 30 tỷ đồng. Khoản vay này, công ty của bà Hiệp không có khả năng trả nên phía ngân hàng đã phát mãi tài sản và bán cho người mua trúng đấu giá là ông Nguyễn Trung Kiên (Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Xây dựng Thiên Phát Lộc).
Phía BIDV và bà Hiệp sau đó thỏa thuận sẽ phát mãi các tài sản còn lại để thu hồi nợ.
Thông qua người môi giới là ông Nguyễn Hữu Trọng, ông Khanh biết bà Hiệp cần bán đất nên đến tìm hiểu. Bà này cho biết đất đang thế chấp ngân hàng, muốn bán với giá 700 triệu đồng mỗi ha, nên ông Khanh yêu cầu phải được sự đồng ý của ngân hàng.
Bà Hiệp đã đến gặp Nguyễn Huy Hùng (54 tuổi, nguyên giám đốc Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (52 tuổi, cựu phó phòng quan hệ khách hàng) để trình bày việc đã tìm được người mua đất và được phía ngân hàng đồng ý. Giá thỏa thuận là 650 triệu đồng/ha đất nông nghiệp. Các bên thoả thuận ông Khanh chuyển một phần tiền mua tài sản vào tài khoản của bà Hiệp mở tại ngân hàng, một phần đưa tiền mặt cho bà.
Các cơ quan tố tụng Bình Dương cho rằng, để che giấu việc thanh toán tiền mua bán tài sản đảm bảo trái pháp luật, các cán bộ ngân hàng và ông Khanh, Hiệp đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn giá thực tế. Tổng cộng, ông Khanh đã nhận chuyển nhượng của bà Hiệp và Hảo hơn 180.000 m2 đất nông nghiệp, thanh toán qua 4 đợt. Số tiền ngân hàng thu hồi được từ việc xử lý tài sản của bà Hiệp là hơn 10 tỷ đồng. Bà Hiệp nhận từ ông Khanh hơn 4,3 tỷ đồng.
Theo kết quả định giá, giá trị quyền sử dụng đất nói trên tại thời điểm xử lý tài sản thế chấp là hơn 45,7 tỷ đồng. Như vậy, sau 4 lần xử lý tài sản đảm bảo, phía ngân hàng bị thất thoát 35,7 tỷ đồng.
Tháng 5/2018, ông Khanh (lúc này là Bí thư thị xã Bến Cát), Hùng và Lộc bị bắt tạm giam về tội Vi phạm quy định quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí. Bốn cán bộ thị xã Bến Cát và UBND xã An Tây liên quan đến việc cấp sổ đỏ 2 ha đất bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, được tách ra xử lý riêng.
Hồi tháng 5/2020, TAND tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Khanh 10 năm tù; Hùng nhận 12 năm tù, Lộc 11 năm. Các bị cáo kêu oan và đề nghị tòa phúc thẩm tuyên mình vô tội. Ba tháng sau đó, ông Khanh được tại ngoại để chữa bệnh.
Chưa đủ căn cứ buộc tội
Năm 2021, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm, chỉ ra nhiều vấn đề còn mâu thuẫn, bất hợp lý; tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại vì chưa đủ căn cứ buộc tội các bị cáo.
Theo HĐXX, qúa trình giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; thu thập chứng cứ chưa đầy đủ; việc đánh giá chứng cứ còn phiến diện và thiếu cơ sở; nội dung nhận định và quyết định còn nhiều mâu thuẫn không đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, lời khai của nhân chứng (cò đất) mâu thuẫn với nội dung đơn tố cáo của ông Hòa, song cấp sơ thẩm không cho đối chất làm rõ. Tòa sơ thẩm chưa làm rõ tài sản ông Khanh mua của bà Hồ Thị Hiệp có phải là tài sản nhà nước hay không.
Tòa sơ thẩm xác định bị cáo Khanh đã cấu kết với Hùng, Lộc mua tài sản thế chấp của bà Hiệp với giá rẻ gây thất thoát lãng phí nhưng hồ sơ vụ án thể hiện, các cán bộ ngân hàng không biết ông Khanh; do bà Hiệp nhiều lần có đơn xin bán tài sản trả nợ và được ngân hàng đồng ý nên mới gặp ông Khanh để bàn bạc việc mua bán; quá trình mua bán có tham khảo giá thị trường...
Sau khi điều tra lại, Công an tỉnh Bình Dương giữ nguyên quan điểm cáo buộc các bị can phạm tội như trước. Ông Khanh bị cho là biết quyền sử dụng đất của bà Hiệp đang thế chấp cho ngân hàng và xử lý để thu hồi nợ, nhưng vẫn móc nối với cán bộ ngân hàng để mua với giá rẻ, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước.
Đối với nhóm cán bộ thị xã Bến Cát và UBND xã An Tây liên quan đến việc cấp sổ cho 2 ha đất đang thế chấp cho ngân hàng, Công an Bình Dương gộp vào giải quyết trong cùng vụ án. Tuy nhiên, họ bị đổi tội danh thành Vi phạm quy định về quản lý đất đai.
Ngoài ra, quá trình điều tra bổ sung vụ án, hồi đầu năm, Công an Bình Dương khởi tố thêm ông Nguyễn Trung Kiên (người mua trúng đấu giá phần đất liền kề với phần đất ông Khanh mua của bà Hiệp) về cùng tội danh với nhóm cán bộ địa phương.
Hàng loạt mâu thuẫn chưa làm rõ
"Sau hai năm điều tra lại, cơ quan điều tra không làm rõ, chứng minh được các vấn đề này nhưng vẫn tiếp tục đề nghị truy tố tôi và nhiều người khác", ông Nguyễn Hồng Khanh nói.
Cựu bí thư Bến Cát cho biết, gia đình có khu đất trồng cây cao su khá xa nơi ở. Năm 2012, thông qua "cò" Nguyễn Hữu Trọng, ông biết bà Hiệp cần bán lô đất ở gần nhà mình hơn, với giá 700 triệu đồng/ha, nên nhờ giới thiệu. Tiếp đó, ông bán đất giá 500 triệu đồng/ha để mua đất của bà này với giá thương lượng được là 650 triệu/ha.
Từ năm 2012 đến 2015, trong những lần ông đi xem đất và hai bên thỏa thuận giá đều có mặt ông Nguyễn Hiệp Hòa. Tuy nhiên, sau khi bà Hiệp chết, Hòa lại làm đơn tố cáo ông "o ép mua giá rẻ". "Mâu thuẫn này đã được TAND Cấp cao chỉ ra và cũng là nguyên nhân xuất phát vụ án, nhưng khi điều tra lại cơ quan điều tra cũng không cho hai bên đối chất để làm rõ", ông Khanh nói.
Về căn cứ buộc tội, ông Khanh cho rằng, Công an Bình Dương không thu thập được chứng cứ tài liệu nào thể hiện việc ông móc nối với cán bộ ngân hàng. Bởi thực tế, việc mua bán đất giữa ông với bà Hiệp là nhờ ông Trọng, hoàn toàn không quen biết cán bộ ngân hàng. Cách thức thanh toán cũng do bà Hiệp thỏa thuận với lãnh đạo ngân hàng. Các cán bộ này cũng có lời khai "đồng ý cho bà Hiệp nhận một phần tiền mặt là nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh bền vững".
Ngoài ra, tòa cấp cao từng chỉ ra, khách thể của tội danh mà ông đang bị cáo buộc là tài sản nhà nước. Trong khi đó, chứng cứ tại hồ sơ thể hiện, hợp đồng thế chấp giữa bà Hiệp với ngân hàng là "thế chấp quyền sử dụng mà không giao tài sản". Đại diện ngân hàng cũng khẳng định, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bà Hiệp thế chấp tại ngân hàng "không phải là tài sản của ngân hàng" mà vẫn là tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của bà Hiệp.
"Như vậy phần đất bà Hiệp bán cho tôi là tài sản đảm bảo để thực hiện nghĩa vụ dân sự với ngân hàng chứ không phải là tài sản Nhà nước", ông Khanh nói, thêm rằng việc mua đất của bà Hiệp là một giao dịch hoàn toàn hợp pháp, được văn phòng đăng ký đất đai địa phương đồng ý cho sang tên chuyển nhượng. "Nếu có sai sót gì đó liên quan đến vấn đề cho vay tín dụng hay quản lý doanh nghiệp Nhà nước thì đây là quan hệ pháp luật riêng, không liên quan đến tôi", ông Khanh nêu quan điểm.
Cựu bí thư thị xã Bến Cát cho biết, từ khi vướng vào vụ án "mọi thứ tan nát hết", cuộc sống gia đình đảo lộn hoàn toàn. Hơn hai năm bị tạm giam, ông bị ức chế tinh thần dẫn đến đột quỵ, sức khỏe giảm sút. Hiện đã được tại ngoại nhưng ông luôn phải sống trong lo âu, mệt mỏi vì oan ức. Ông đề nghị các cơ quan trung ương xem xét chỉ đạo điều tra làm rõ sự thật vụ án, trả lại sự trong sạch cho mình.
Hải Duyên