Có tiền căn bị lao phổi năm 1995, bệnh nhân sinh năm 1958 đã điều trị triệt để nhưng đến năm 2009 bị tái phát. Trong quá trình điều trị, nhiều lần bà ho ra máu dai dẳng, được chẩn đoán ho ra máu nặng do giãn phế quản, nấm phổi và lao phổi cũ. Bệnh nhân hầu như không nằm để ngủ được vì máu trào ra miệng.
Bác sĩ Ngô Minh Tuấn, Trưởng Khoa Can thiệp Mạch máu Bệnh viện Trưng Vương cho biết, bệnh nhân ho ra máu sẽ tiến triển đến bước là "ho ra máu sét đánh", tức trên 200 ml và số lượng nhiều. Thường trong tình trạng đó bệnh nhân sẽ tử vong. Bệnh viện đã hội chẩn và quyết định can thiệp nội mạch ở phổi với dự liệu nếu không thể điều trị triệt để thì ít nhất cũng đề phòng "ho ra máu sét đánh", tránh nguy cơ tử vong đột ngột.
"Khi bệnh nhân vào phòng can thiệp, đã có phương án dự phòng khác cho trường hợp không cầm máu được sẽ tiến hành mở ngực, cắt phổi để cứu ngay", bác sĩ Tuấn cho biết.
Với sự hỗ trợ của tiến sĩ Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP HCM và một giáo sư người Mỹ, êkíp bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương đã thực hiện kỹ thuật bơm keo thuyên tắc động mạch phế quản, động mạch liên sườn cho bệnh nhân. Ca can thiệp diễn ra trong 5 giờ ngày 4/9, cơ bản đã khống chế được ổ chảy máu. Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, không cần gây mê, dẫn mê. Ngay sau đó, bệnh nhân đã nằm ngủ được bình thường, thở thoải mái, không có máu ra họng, tình trạng chảy máu hầu như không còn. Hiện bệnh nhân nằm theo dõi tại khoa Nội Hô hấp để tiếp tục điều trị lao phổi.
Theo bác sĩ Tuấn, bệnh nhân có bệnh lý nền lao phổi như thế này thường có nhiều yếu tố nguy cơ phẫu thuật, nếu cắt bỏ phần lớn thể tích phổi thì sẽ ảnh hưởng chức năng hô hấp. Việc can thiệp nội mạch giúp tránh nguy cơ của cuộc phẫu thuật, bệnh nhân ít chịu đau đớn. Đặc biệt trong trường hợp ho ra máu sét đánh thì có thể cấp cứu ngay để cứu bệnh nhân.
Lê Phương