Ba thành viên trong nhóm Bảo vệ sự sống thai nhi Việt kể lại sự việc xảy ra hôm 4/7, khi các anh cứu được một bé sơ sinh trong túi rác bên lề đường. Hôm đó như thường lệ, cả ba lên đường tìm kiếm thai nhi bị bỏ rơi. 19h30, họ đi ngang một đoạn phố thuộc quận Ba Đình, cách Bệnh viện Xanh Pôn khoảng 4 km. Ba người nhìn thấy chiếc túi nilon đặt cạnh thùng rác khu tập trung, không được buộc chặt, có gì đó cựa quậy bên trong.
"Khi phát hiện, chúng tôi nghi một là chuột, hai là thai nhi", Minh Tinh, trưởng nhóm thiện nguyện, nhớ lại.
Dừng xe máy, cả ba chạy lại mở chiếc túi nilon, nhận ra một em bé còn nguyên vẹn tay chân, tình trạng đang rất nguy kịch, hơi thở yếu, khóc yếu, toàn thân tím tái. Những dấu hiệu sống rất yếu ớt. Dây rốn có buộc một số sợi chỉ, máu chảy từ dây rốn lan ra vùng bụng. Trong túi còn có một vài vật tư y tế.
Minh Tinh chia sẻ: "Bằng kinh nghiệm 7 năm đi tìm nhặt những em bé sơ sinh bị bỏ rơi, nhóm nghi ngờ em bé bị vứt ra từ một sơ sở nạo phá thai".
Anh nhanh chóng ôm bé vào lòng để ủ ấm. Trên hai chiếc xe máy của nhóm trang bị sẵn bộ bóp bóng oxy cấp cứu, khăn sạch. Minh Tinh lấy khăn lau qua miệng bé. Cả ba tiến hành các thao tác cấp cứu. Một người vừa bóp bóng, một người vừa ấn ngực bé để hồi sức cấp cứu cho tim đập, người búng vào dưới lòng bàn chân để cho bé khóc.
Cùng lúc, họ gọi taxi đưa cháu bé đến Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu. Các thao tác nhanh gọn chỉ trong vài phút. Bé được đưa vào bệnh viện lúc 8h tối. Tuy nhiên, trên đường đến viện em bé đã ngừng tim, ngừng thở.
Các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn tiếp nhận cấp cứu, xác định bé đẻ non, khoảng 31 tuần thai, cân nặng lúc vào viện được 1,6 kg, tình trạng rất nguy kịch. Bé được hồi sức tích cực để tim đập lại, đặt nội khí quản, thở máy. Sau 4 giờ, bé diễn biến xấu hơn, huyết áp tụt, mạch khó bắt.
"Suốt khoảng thời gian đó, cả nhóm tôi vẫn luôn ngồi bên ngoài phòng cấp cứu cầu nguyện cho con", Minh Tinh cho biết. May mắn cuối cùng em bé đã qua nguy kịch.
Bác sĩ Thái Bằng Giang, Trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Xanh Pôn, nhận định: "Có thể bé được vứt bỏ từ cơ sở nạo phá thai. Người phá sẽ làm mọi cách để đưa trẻ ra ngoài, không thực hiện nhẹ nhàng, khéo léo như các ca đỡ đẻ bình thường, nên chỉ 30 phút sau khi chào đời bé đã ngừng thở".
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, tỷ số phá thai năm 2018 là 0,14; tức là cứ 100 trẻ sinh sống thì có 14 thai bị phá. Con số này đã giảm 50% so năm 2010.
Các thành viên nhóm thiện nguyện nói trên cho biết, so với những thai nhi mà nhóm từng tìm được, em bé này có điều may mắn là được buộc chỉ vào dây rốn, nên không bị chảy máu qua rốn quá nhiều.
Ngày 12/9, sau hơn hai tháng điều trị, bé khỏe mạnh, tự thở, tỉnh táo, hồng hào, tự bú. Bé được các cơ quan chức năng ghi nhận là trẻ bị bỏ rơi, và bệnh viện sẽ làm các thủ tục để đưa bế về trung tâm bảo trợ trẻ em.
Nhóm thiện nguyện đặt tên cho bé là Nguyễn Bình An, với mong muốn cuộc đời bé sẽ luôn bình an.