Curfew kể về một người đàn ông có tên Richie, trong giây phút đen tối nhất của cuộc đời đã quyết định tự sát. Bộ phim mở đầu vô cùng ấn tượng với cảnh Richie nằm trong bồn tắm đầy máu, dao lam ở tay đang cố gắng hoàn thành nốt việc kết liễu đời mình thì bỗng điện thoại reo vang. Người em gái từ lâu cắt đứt liên lạc với anh khẩn khoản nhờ anh trông giúp con gái (Sophie) trong khi cô vắng nhà. Và thế là Richie quyết định hoãn lại cái chết một vài tiếng để đưa cô cháu gái đi chơi...
Curfew kể câu chuyện cảm động về một người mất hết tất cả mọi hy vọng bỗng được cứu rỗi nhờ sự xuất hiện ngây thơ của một em bé. Câu chuyện không mới và dễ đoán được kết quả nhưng đã được thể hiện một cách hấp dẫn và thuyết phục.
Bộ phim có nhiều phân đoạn để lại những ấn tượng mạnh mẽ. Đoạn trong phòng vệ sinh nữ, trong lúc chờ Sophie, Richie tuyệt vọng yêu cầu hai người phụ nữ ngừng nói chuyện người lớn lại vì ở đây có một em gái nhỏ. Không ai nghe thấy lời anh ta nói vì Richie chỉ lúng búng những từ ngữ trong miệng. Rõ ràng anh ta là gã thua cuộc, vô cùng thảm hại, lời nói hoàn toàn vô giá trị.
Richie lặp đi lặp lại lời yêu cầu hàng chục lần cho tới khi phải thực sự hét lớn lên. Hai người phụ nữ kia im bặt, họ không thể hiểu được tại sao một việc nhỏ như thế lại khiến Richie giận dữ rồi trở nên đắc thắng như vậy. Nhưng chúng ta, khán giả thì hiểu - đó thực sự là một nỗ lực vượt lên chính mình của Richie, một kẻ đang có ý định tự sát bỗng tìm lại được cách liên hệ với cuộc đời.
Một phân đoạn khác cũng rất thành công là khi bài hát yêu thích của Sophie vang lên và cô bé bắt đầu nhảy múa. Richie cùng lúc nhìn xung quanh và thấy dường như tất cả mọi người cũng đang nhún chân, lắc hông, đung đưa theo điệu nhạc. Đó là một ảo giác của người bị mất quá nhiều máu và một người đã xuống tới đáy, nhìn đâu cũng thấy người khác hạnh phúc hơn mình. Chỉ có anh ta, Richie, là lạc lõng ở đây, là người duy nhất dường như không thể hòa mình vào điệu nhạc. Đây cũng là một phân cảnh đặc biệt dễ thương với hình ảnh Sophie nhỏ nhắn biểu diễn một điệu nhảy ngộ nghĩnh trên đường băng bowling với những trái bóng đang lăn lăn hai bên.
Đạo diễn Shawn Christensen đã mời được một quay phim giỏi khi ghi lại được những cảnh thành phố New York ban đêm, trông vừa nhếch nhác vừa nên thơ. Cảnh Richie và cô cháu gái Sophie ngồi bên nhau trên chuyến tàu điện thật đẹp và dễ chịu. Chiếc điện thoại đỏ sẫm cũ kỹ trong phòng tắm xuất hiện ở đầu và cuối phim như một sợi dây nối kết Richie với sự sống, với cuộc đời và gia đình theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Diễn xuất tuyệt vời của cô diễn viên nhí Fatima Ptacek cũng là một điểm cộng của bộ phim. Cô bé láu cá ấy diễn tự tin, biết điểm mạnh của mình ở chỗ nào và biết tận dụng cơ hội để phô diễn sự dễ thương. Fatima có một đôi mắt nghiêm nghị, già dặn trước tuổi nhưng vẫn giữ được những nét ngây thơ trong sáng trên khuôn mặt.
Curfew là một phim ngắn mang đậm dấu ấn cá nhân của Shawn Christensen. Anh tự viết kịch bản, tự đạo diễn, tự mình đóng vai chính rồi cũng tự biên tập. Thậm chí bài hát mà Sophie yêu thích trong đoạn nhảy múa ở khu chơi bowling cũng là do chính anh sáng tác và thể hiện. Một phần nguyên do là mấy năm trước, anh viết kịch bản phim Abduction, do Taylor Lautner thủ vai chính, bị chê dở tệ. Anh đổ lỗi cho các nhà làm phim làm hỏng kịch bản và quyết định trong bộ phim ngắn này sẽ tự tay làm từ đầu tới cuối.
Và Shawn Christensen đã thành công. Anh thể hiện khá đạt sự trống rỗng, vô hồn của Richie cùng sự suy nhược thần kinh của kẻ luôn rắp ranh ý định tự tử. Curfew tôn vinh giá trị gia đình và tầm quan trọng của cảm giác được cần đến, được có ích cho đời.
* Trailer phim ngắn "Curfew" |
Anh Trâm