Bấy giờ mợ tôi là Trưởng ban phụ nữ nên có trách nhiệm cùng lãnh đạo tiểu khu (nay là phường) kết hợp với các vị tăng sư đền và chùa Hai Bà tổ chức lễ hội này.
Phần lễ, theo phong tục, chúng tôi theo chân người lớn đẩn bộ đôi voi gỗ ra tận sông Hồng tắm mát, tưởng nhớ tới bản anh hùng ca bất diệt của Hai Bà Trưng trong cuộc khởi nghĩa bảo vệ Tổ quốc. Phần hội thì tưng bừng vô cùng. Cạnh gốc đa cổ thụ, người ta dựng sân khấu chơi trò đấu Trung Bình Tiên. Hai thanh niên khỏe, cầm cả cây tre đực, dài tới 4 - 5 mét, đầu bịt giẻ chọc nhau, ai ngã khỏi bục là thua. Đấu Trung Bình Tiên chọn ra các lực sĩ hôm nay, nhắc lại hình ảnh kiêu dũng ở một thời gươm giáo, tầm vông là côn quyền... Rồi sới vật mở ra cho các đô từ mấy lò vật tận Hà Bắc, Sơn Tây về trổ tài với các đô võ Hà Nội. Tinh thần thượng võ quật cường bảo vệ đất nước có lẽ vun lên trong tâm hồn ngây thơ của lứa tôi từ ngày bắt đầu nhận thức ấy.
Tinh thần ấy dạy cho tôi suốt 12 năm cầm súng: làm trai phải dũng cảm và quyết tử cho đất nước; giúp tôi, một cậu bé Hà Nội vượt qua tất cả bệnh tật ở rừng sâu, núi hiểm, vượt qua tất cả bom đạn...
Những ngày đi hội của tuổi thơ giúp tôi ngày một thấm thía rằng: Văn phải luôn bên Võ, mà Văn phải góp phần hoàn chỉnh thêm tính thiện trong mỗi con người, trong từng dân tộc.
Tôi lớn lên, vào trận mạc rồi sinh sống ở nước ngoài suốt 30 năm. Quan sát ở Đức, tôi cũng thấy người ta hết sức chú ý tới các chi tiết ở từng lễ hội, sao cho bảo tồn được tinh thần dân tộc trong một thế giới ngày càng văn minh, tiến bộ và xa rời dần các giá trị cũ.
Ở nước ta, sau Tết, đâu đâu cũng là lễ hội, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc. Nhiều lễ hội rất có ích, khi nó thức giấc, nuôi nấng tâm hồn, khích lệ những người dân yêu việc nông, yêu đồng áng, đấy là yêu chính đất nước của họ. Nhưng có những lễ hội lại phản tác dụng. Ấy là khi những hủ tục bị khư khư giữ lấy, tạo nên những hình ảnh lạc lõng trong một thế giới đã văn minh lên rất nhiều. Năm ngoái, sau rất nhiều bàn cãi, người ta đã bỏ được nghi thức chém lợn nơi công cộng. Nhưng năm nay, mới hôm trước thôi, tôi thấy đám đông hân hoan trước cảnh treo đầu con trâu ở Yên Bái hoặc điềm nhiên chứng kiến hai con trâu lao vào nhau trong máu me ở Phú Thọ.
Tôi không biết những người trẻ, những tuổi thơ như tôi trước đây thấy được điều gì trước một nhóm người lớn ra sức căng con lợn ra mà chém đầu. Tôi không biết cảm xúc gì sẽ để lại trong họ khi nhìn những con trâu hiền lành rãy rụa thảm khốc. Tại sao người ta lại hành động tàn bạo với một con vật luôn “đi trước cái cày” mỗi mùa thóc lúa. Tôi chỉ thấy sự phản bội của con người với con vật đã đồng hành với sự no ấm của chính mình.
Ở rất nhiều lễ hội khác, tình trạng tranh giành, đánh nhau để cướp lộc cũng là một hủ tục theo tôi cần bỏ hẳn. Ngay cả việc phát Ấn cũng nên bỏ. Bởi nó kích động lòng tham của người ta, thái độ mong cầu thăng quan tiến chức, mong cầu được phát tài lộc thay vì khuyến khích sự nỗ lực tự thân.
Tôi cho rằng lễ hội là rất cần thiết, không thể bỏ được. Nhưng trong một xã hội dân trí chưa cao, bạo lực tự phát ngày một gia tăng, những giá trị không hướng thiện cần phải được mạnh dạn loại bỏ. Không thể gieo xuống đất này mầm ác và điều xấu.
Không thể khép lũy tre làng, nhân danh bản sắc văn hóa để khư khư giữ lấy hủ tục, làm những điều ngược lại với quan điểm nhân văn mà nhân loại hướng tới.
Nguyễn Văn Thọ