Huyền cao 1,5 m, nặng hơn 60 kg, tìm mọi cách giảm cân. Cô theo chế độ Eat clean (ăn sạch, chia thành nhiều bữa), ăn thô, tập thể dục, nhảy dây, song chỉ giảm được vài kg sau đó tăng trở lại. Cô lên mạng mua 5 bộ đai "thông hơi chống cuộn", người bán giới thiệu là làm bằng cao su, thoáng nhiệt tốt, không bị ngứa. Người bán cũng tư vấn đeo thường xuyên trong hai tháng, eo sẽ được định hình kiểu đồng hồ cát, giảm 4-7 cm vòng hai. Mỗi ngày mang 5-7 tiếng, "thời gian đầu thấy đau nhức, tức là mỡ đang đào thải".
Bộ sản phẩm gồm một đai và một áo lót chống hằn, ngứa. Ngày đầu tiên đeo, Huyền đau nhức hai bên sườn eo, sau đó ngứa nhưng kiên trì dùng. Ngày thứ hai, bụng xuất hiện nhiều vết thâm, bầm tím do bị đai siết chặt. Một tuần sau, cô buộc dừng mang do đau không thể thở, đứng lên ngồi xuống khó khăn, vùng bụng bị bầm tím, lằn đỏ.
"Chỉ có đau đớn, không thấy gầy đi", Huyền nói, thêm rằng khi khiếu nại với bên bán, cô bị "đổ lỗi là không tuân thủ quy trình sử dụng nên không hoàn tiền".
Cũng dùng đai nịt bụng, chị Mai 29 tuổi, kết luận "không hiệu quả như lời đồn". Chị mang mỗi ngày, trừ lúc ngủ. Mỗi khi đi tập, chị siết chặt thêm một nấc đai để tăng hiệu quả. Những ngày đầu, chị đau nhức vùng bụng, nghĩ do tập sai tư thế.
Huấn luyện viên thể hình Đinh Thị Bích, Trung tâm Văn hóa Thể dục Thể thao, quận Hoàng Mai, nơi chị Mai tập, cho rằng thực chất đeo đai cản trở vận động, gây mất cân bằng, thắt đau bụng và chỉ có tác dụng đè nén mỡ tạm thời. Huấn luyện viên khuyên chị Mai nên ưu tiên bài tập bụng, bỏ đeo đai vì không có tác dụng giảm mỡ.
Các loại đai nịt bụng như trên hiện được bán phổ biến trên thị trường, với nhiều kiểu dáng, màu sắc và nhiều mức giá. Nhiều người chia sẻ mang dụng cụ này cả ngày, trừ lúc tắm, để vòng eo thon gọn và vòng ngực săn chắc. Chị Huyền hay chị Mai là hai trong nhiều trường hợp gặp biến chứng do sử dụng đai.
Bác sĩ Calvin Q Trịnh, Trưởng Trung tâm hiệu chỉnh cơ xương khớp Bệnh viện 1A (TP HCM), cho biết đây chỉ là phương pháp tạm thời cho những người béo bụng muốn mặc váy siết eo, khi tháo ra mỡ vẫn còn nguyên. Nhiều người kết hợp tập luyện giảm cân nên lầm tưởng là nhờ mang đai.
Phương pháp này là dùng đai quấn bụng nhằm siết chặt vùng này, ép mỡ, song thực chất mỡ không biến mất mà di chuyển đến vùng cơ thể khác, đè lên dạ dày, phổi, cơ hoành, lồng ngực gây cảm giác khó chịu. Mang đai thường xuyên sẽ tạo áp lực lên ổ bụng, gây thoát vị rốn, bẹn, lưng, cơ hoành, trong đó thoát vị bẹn và cơ hoành là trường hợp phẫu thuật cấp cứu, rất nguy hiểm.
Người đeo luôn cảm thấy bụng bị ép, nhanh no, đau tức bụng. Áp lực từ nịt bụng tác động tới dạ dày khiến thức ăn có nguy cơ trào ngược lên thực quản, không tốt với người mắc bệnh đường ruột. Phụ nữ sau sinh dùng đai nịt bụng có thể làm đau vết mổ. Mới đây, một phụ nữ 39 tuổi dùng đai nịt siết chặt bụng để giảm cân, sau đó đau bụng, nôn ói, bác sĩ chẩn đoán bị vỡ gan, xuất huyết nội.
"Đây là cưỡng ép giảm cân, vừa cản trở vận động, vừa ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống hàng ngày", bác sĩ nói.
Bác sĩ Bùi Đức Ngọt, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bưu điện, khuyến cáo đeo đai nịt bụng có thể dẫn đến tăng thân nhiệt, giảm dung tích sống (giảm thể tích hô hấp của phổi), loét da do tỳ đè. Dùng lâu dài, người mang có thể bị một số biến chứng như trĩ, thoát vị đùi, thoát vị bẹn do tăng áp lực ổ bụng thường xuyên, đi tiểu nhiều lần, rối loạn tiêu hóa.
Nhiều người không mập nhưng vẫn béo bụng do khung chậu xoay về phía trước, bụng dưới phình ra, mông cao và thân bị đẩy về trước, hình dáng giống như vịt. "Trường hợp này đeo đai nịt bụng càng khiến vấn đề thêm trầm trọng, đau cột sống", bác sĩ nói và khuyên đến bệnh viện để được chỉnh hình thể, xoay khung chậu ra sau.
Y văn thế giới ghi nhận từ nhiều thế kỷ trước có những phụ nữ bị tổn thương nội tạng do mặc áo nịt ngực quá chật. Trong nghiên cứu được công bố trên Cureus năm 2020, các chuyên gia cho biết mặc quần áo chật có thể gây tổn hại nội tạng do "chèn ép, bầm tím và thiếu máu cục bộ".
Bà Dena Barsoum, chuyên gia vật lý trị liệu và phục hồi chức năng tại Bệnh viện Phẫu thuật Đặc biệt New York, Mỹ, cho rằng đai nịt còn ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng, khiến chúng di chuyển đến các vị trí bất thường, thậm chí cắt đứt lưu lượng máu cho phép chúng hoạt động bình thường. Áo nịt bụng cũng có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa, táo bón, trào ngược, suy yếu hệ thống cơ xương. Đai có thể o ép cử động của cơ hoành, vốn là cơ ngăn cách tim và phổi với các cơ quan khác, không tốt cho hoạt động thở.
Các bác sĩ khuyến cáo không nên thắt đai liên tục mỗi ngày. Để đảm bảo an toàn, chỉ nên đai nịt một đến hai tiếng mỗi ngày, thắt ở mức độ dễ chịu, lúc ngủ nên tháo ra. Muốn giảm cân, nên kết hợp tập luyện đúng cách và ăn uống khoa học.
Minh An - Như Ngọc