Theo Điều 32 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, việc cưỡng chế thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật Đất đai (thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng) chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:
a) Thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định tại các Điều 27, 28, 29 và 38 Nghị định này;
b) Quá ba mươi (30) ngày, kể từ thời điểm phải bàn giao đất mà người có đất bị thu hồi không bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;
c) Sau khi đại diện của tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận tổ quốc cấp xã nơi có đất thu hồi đã vận động thuyết phục nhưng người có đất bị thu hồi không chấp hành việc bàn giao đất đã bị thu hồi cho Nhà nước;
d) Có quyết định cưỡng chế của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đã có hiệu lực thi hành;
đ) Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận quyết định cưỡng chế, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết công khai quyết định cưỡng chế tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi.
2. Sau mười lăm (15) ngày, kể từ ngày giao trực tiếp quyết định cưỡng chế hoặc ngày niêm yết công khai quyết định cưỡng chế mà người bị cưỡng chế không bàn giao đất, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, tổ chức lực lượng cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp người có đất bị thu hồi khiếu nại về giá đất bồi thường, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc quyết định cưỡng chế thu hồi đất, việc giải quyết khiếu nại thực hiện theo quy định tại Điều 138 của Luật Đất đai, Điều 63 và Điều 64 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP và quy định giải quyết khiếu nại tại Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo.
Điều 40 Nghị định 69/2009/NĐ-CP cũng quy định: Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng thực hiện quyết định thu hồi đất; cơ quan nhà nước đã ban hành quyết định thu hồi đất phải có quyết định hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định thu hồi đất gây ra (nếu có). Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là đúng pháp luật, người có đất bị thu hồi phải chấp hành quyết định thu hồi đất.
Theo quy định tại Điều 13 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, có 12 trường hợp Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra, trong đó có trường hợp gây thiệt hại do “Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Đối với việc bồi thường thiệt hại do việc cưỡng chế vượt quá diện tích đất bị thu hồi gây ra cần phân biệt:
- Nếu việc cưỡng chế vượt quá diện tích đất bị thu hồi, gây thiệt hại cho người sử dụng đất do người thi hành công vụ tự ý gây ra, cơ quan hành chính trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm bồi thường (khoản 1 Điều 14 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước).
- Nếu việc cưỡng chế vượt quá diện tích đất bị thu hồi, gây thiệt hại cho người sử dụng đất được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, trường hợp có sự uỷ quyền hoặc uỷ thác thực hiện công vụ, cơ quan uỷ quyền hoặc cơ quan uỷ thác là cơ quan có trách nhiệm bồi thường…” (điểm c, khoản 2 Điều 14 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước).
Cũng theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần trong các trường hợp quy định tại Luật này được Nhà nước bồi thường. Việc giải quyết bồi thường phải tuân theo các nguyên tắc: Kịp thời, công khai, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường với người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ và được trả một lần bằng tiền, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Luật sư Nông Thị Hồng Hà
Công ty Luật Hồng Hà
114 Phan Kế Bính, Ba Đình, Hà Nội