Ngày 7/5, hàng trăm người cùng máy móc, thiết bị tham gia cưỡng chế tầng 17-18 dự án 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình).
Chính quyền quận cho rằng vì chủ đầu tư không hợp tác nên phải cưỡng chế mở khóa cửa các căn hộ tại tầng 18 công trình số 8B Lê Trực. Việc này có sự chứng kiến của đại diện Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân quận, đại diện tổ dân phố thuộc địa bàn dân cư số 6, số 12 phường Điện Biên.
Sau khi mở khóa, lực lượng cưỡng chế đã kiểm kê đồ đạc, vật dụng, trang thiết bị. Tất cả sẽ được tháo dỡ, niêm phong đưa về cất giữ tại Cung thể thao tổng hợp Quần Ngựa.
Dự kiến ngày 12/5, đơn vị thi công là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam sẽ tiếp nhận mặt bằng và tháo dỡ một số hạng mục tầng 18 gồm: vách kính mặt tiền; thiết bị điện, nước, nội thất; tường gạch; tháo dỡ sàn bê tông cốt thép. Do quận chưa tìm được đơn vị tư vấn nên hệ khung, cột dầm tầng 18 chưa bị phá đợt này.
Sau khi hoàn thành phần việc liên quan tầng 18, các đơn vị chức năng đánh giá mức độ an toàn của công trình để xem xét phương án phá dỡ tầng 17. Kinh phí cho giai đoạn 2 khoảng 17 tỷ đồng được tạm ứng từ ngân sách quận.
Để bảo đảm an toàn, quận Ba Đình đã giao phường Điện Biên ký hợp đồng với Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) khảo sát hiện trạng các công trình liền kề, thiết lập hệ thống quan trắc khu vực cưỡng chế.
Ông Lê Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty CP May Lê Trực (chủ đầu tư) cho biết, đơn vị nhận được thông báo nhưng không được tham gia khi chính quyền mở khóa tầng 18. Chủ đầu tư đã đề xuất với phường mời người dân đến để tháo dỡ, di chuyển đồ đạc, nhưng không được chấp thuận.
Theo luật sư Nguyễn Thị Hương, đại diện pháp lý cho chủ đầu tư, thông báo việc mở khóa tầng 18 không được gửi đến tay chủ đầu tư mà được dán ở trước cửa dự án. Chính quyền cáo buộc chủ đầu tư không hợp tác là "không đúng", vì chủ đầu tư có mặt tại hiện trường từ rất sớm nhưng không được vào.
Là người mua nhà tại tầng 18 của dự án, bà Dương Thị Thu Nga cho rằng sai phạm là của chủ đầu tư, nhưng chịu thiệt thòi là người mua khi 5 năm qua chưa được ở trong ngôi nhà của mình.
"Khi chúng tôi mua đã thẩm định đầy đủ tính pháp lý của dự án, giấy phép xây dựng có tầng 17, 18. Sau khi tôi nhận bàn giao thô, hoàn thiện xong và đã chuyển đồ đạc lên căn hộ thì mới có chuyện thanh tra, rồi cưỡng chế. Chủ đầu tư sai thì phạt chủ đầu tư chứ không thể phá nhà chúng tôi được", bà Nga nói.
Việc xử lý phần vi phạm tại dự án 8B Lê Trực được tiến hành từ cuối năm 2015. Một năm sau chính quyền hoàn thành cưỡng chế giai đoạn 1 với việc phá dỡ phần tum và tầng 19. Sau gần 4 năm, việc cưỡng chế giai đoạn 2 được khởi động bằng việc quận Ba Đình tổ chức rào đường, lắp cẩu tháp vào chiều 22/4.
5 năm qua, những vi phạm và việc chậm trễ xử lý vi phạm tại dự án 8B Lê Trực nhiều lần được nhắc đến tại các cuộc tiếp xúc cử tri, trên diễn đàn Quốc hội. Thủ tướng nhiều lần có văn bản yêu cầu xử lý dứt điểm vi phạm tại dự án.
Theo kết quả kiểm tra của liên ngành TP Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng đã được cấp. Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái.
Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.
Công trình cao đến đỉnh tum thang là 53 m nếu làm đúng giấy phép. Thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép.
Võ Hải