Công trình này nằm tại Bãi Cát Dứa 1 thuộc phân khu phục hồi sinh thái Biển, Vườn quốc gia Cát Bà.
Nhà chức trách cho hay 4 hạng mục của công trình phải tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng, gồm: Khu vực quầy hàng diện tích 172 m2; nơi tắm tráng diện tích 6,8 m2; nhà vệ sinh diện tích 23,8 m2 với kết cấu tường xây gạch, mái tôn và kè đá dài 143 m. Tất cả các hạng mục này đều xây dựng trái phép, đưa vào sử dụng từ năm 2012.
Trong sáng nay, lực lượng chức năng đã cắm mốc, xác định phạm vi cưỡng chế, kê biên tài sản, tháo dỡ công trình và vận chuyển tài sản sau khi cưỡng chế vào thị trấn. "Cưỡng chế xong công trình vi phạm tại bãi tắm Cát Dứa 1 của Công cổ phần Khu du lịch Đảo Cát Bà, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện đối với các công trình xây trái phép còn lại", ông Hoàng Trung Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải, nói.
Trước đó ngày 9/10, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, thành phố kiên quyết tháo dỡ 7 điểm du lịch xây dựng trái phép để trả lại cảnh quan thiên nhiên, môi trường cho vịnh Lan Hạ và vườn quốc gia; trường hợp nào cố tình không chấp hành, thành phố chỉ đạo UBND huyện Cát Hải tổ chức cưỡng chế.
Theo ông Tùng, để giảm thiểu một phần thiệt hại cho các doanh nghiệp đã bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình nghỉ dưỡng, thành phố đang giao các sở, ngành liên quan ra soát để có biện pháp hỗ trợ.
Từ năm 2009 đến năm 2012, Trung tâm dịch vụ du lịch và giáo dục môi trường rừng thuộc Ban quản lý vườn quốc gia Cát Bà hợp đồng, liên kết với một số doanh nghiệp để phát triển du lịch sinh thái rừng, biển. Đến cuối năm 2018, sau khi hết thời hạn liên kết, Ban quản lý Vườn quốc gia Cát Bà khẳng định chấm dứt hoạt động liên doanh, liên kết với 7 doanh nghiệp.