Nghệ sĩ hiện không đóng phim, chủ yếu viết tiểu thuyết, tản văn cho các tạp chí. Diễn viên từng tiết lộ về bước ngoặt cuộc đời trong bài Quỳnh Dao và tôi. Dưới đây là phần lược dịch tản văn của Lâm Thanh Hà.
Số mệnh của chị Quỳnh Dao và tôi đều thay đổi toàn bộ vì một cuốn sách. Cuốn sách này làm chúng tôi nổi tiếng khi còn rất trẻ.
Năm 17 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp ba. Tôi rời nhà trường, trút bỏ bộ đồng phục học sinh, đi tiệm duỗi mái tóc. Một lần lang thang trên đường Tây Môn Đình ở Đài Bắc, người của công ty tìm kiếm ngôi sao nhìn thấy tôi, giới thiệu tôi với công ty phim. Công ty đưa cho tôi cuốn tiểu thuyết Song ngoại.
Trang đầu tiên của cuốn sách: "Giang Nhạn Dung dáng nhỏ gầy, đôi mắt mơ màng như sương, đượm vẻ u uẩn. Hai cánh tay gầy gò lộ ra khi mặc áo sơ mi trắng cọc tay, trông thật đáng thương".
Trang thứ hai của cuốn sách: "Giang Nhạn Dung thơ thẩn bước, chìm đắm trong thế giới của riêng mình, một thế giới không ai biết được".
Khi đọc những dòng đó, tôi nghĩ, đây chẳng phải là tôi sao. Từ nhỏ, tôi gầy gò, nhạy cảm, u uẩn, nhìn bé hơn tuổi thật ba tuổi. Ba năm cấp hai rồi ba năm cấp ba, hàng ngày tôi đều đi bộ 10 phút mỗi lần tới trường và tan trường. 10 phút đó luôn là khoảng thời gian tôi say sưa trong thế giới tưởng tượng, suy nghĩ mông lung của mình. Đọc xong Song ngoại, tôi nhận ra cuốn sách viết cho tôi còn Giang Nhạn Dung, không là tôi còn là ai nữa.
Thập niên 1970, đạo diễn Tống Tồn Thọ của công ty điện ảnh quả nhiên chọn tôi đóng Giang Nhạn Dung trong phim Song ngoại. Lúc đó mẹ phản đối quyết liệt tôi vào làng giải trí. Còn tôi khao khát đóng phim, kiên định như Giang Nhạn Dung yêu thầy giáo Khang Nam trong tiểu thuyết. Vì điều này, mẹ tôi nằm trên giường ba ngày không đứng dậy nổi, nhưng cuối cùng cũng phải nhún nhường tôi. Nháy mắt, đã mấy chục năm trôi qua. Hình ảnh mẹ cầm cuốn kịch bản (mẹ đánh dấu gạch chéo vào tất cả cảnh hôn trong đó), kéo tay tôi tới công ty điện ảnh vẫn còn hiện rõ trước mắt.
Quay Song ngoại có lẽ là những ngày vui nhất trong cuộc đời tôi. Trong phim, cô bạn thân thất của Giang Nhạn Dung cũng do Trương Lợi Nhân - bạn thân thất của tôi thời cấp ba đóng, vì thế được đóng phim, chúng tôi như được tiếp tục học cấp ba. Việc ghi hình không khó khăn gì với chúng tôi, đạo diễn thường khen cả hai diễn tự nhiên. Nhớ có cảnh Giang Nhạn Dung uống say, thân mật với thầy giáo Khang Nam trên giường, tôi không muốn Trương Lợi Nhân thấy mình đóng cảnh này. Cô bạn bèn trèo lên bức tường cao đối diện để xem trộm, tôi biết vậy không chịu diễn, đạo diễn bó tay, đành nhốt Trương Lợi Nhân trong phòng. Bạn ấy giận tôi mấy ngày liền vì chuyện này.
Từ năm 1976 tới 1982, tôi đóng tám phim chuyển thể tiểu thuyết Quỳnh Dao. Trước đó, từ 1972 tới 1976, tôi đóng bốn phim khác cũng từ sách của chị. Vì thế, suốt thời thanh xuân, giai đoạn 10 năm rực rỡ nhất cuộc đời, tôi gắn bó với chị Quỳnh Dao.
Thuở mười tám đôi mươi như một bài thơ, nhưng cũng vô cùng bận rộn. Trừ lúc ngủ, tôi luôn trong trạng thái đóng một nhân vật nào đó ở phim trường. Cuộc sống nửa mơ nửa thật. Thi thoảng có vài giờ rảnh được là chính mình, tôi sẽ đến nhà chị Quỳnh Dao.
Chị ấy thường cầm một tách trà, ngồi thong thả trên ghế sofa trong phòng khách ở nhà riêng, kiên nhẫn nghe những câu chuyện của tôi. Chúng tôi có khi nhíu mày, lúc phá lên cười. Chị ấy viết nỗi lòng của bao chàng trai cô gái, nên chúng tôi có nhiều tiếng nói chung, có những hôm chúng tôi nói chuyện tới nửa đêm, rạng sáng. Một số người bảo sách của chị Quỳnh Dao như viết về tôi. Còn tôi thì cho rằng tính cách và ngoại hình của tôi tình cờ tương đồng với nhân vật của chị trong tiểu thuyết.
Từ thiếu nữ 17 tuổi đóng Song ngoại, giờ tôi là mẹ của ba con gái, tôi hiểu tình cảm của Giang Nhạn Dung, cũng hiểu tâm trạng của mẹ Giang Nhạn Dung khi con gái vào tuổi cập kê. Một hôm, tôi mở cửa phòng Ái Lâm (con của Lâm Thanh Hà và Hình Lý Nguyên), cô bé đang làm bài tập trên máy tính, mái tóc mượt xõa trên vai. Nhìn gương mặt con, tôi ngẩn người vì con mang bóng hình tôi thời đóng Song ngoại.
Lâm Thanh Hà sinh năm 1954 ở Đài Loan, gia nhập làng giải trí năm 17 tuổi với vai chính trong phim Song ngoại- chuyển thể từ tiểu thuyết Quỳnh Dao. Qua hơn 20 năm, Lâm Thanh Hà tham gia khoảng 100 phim điện ảnh, trong đó có những tác phẩm kinh điển của màn ảnh Hoa ngữ như Cuồn cuộn hồng trần, Tiếu ngạo giang hồ: Đông Phương Bất Bại, Bạch phát ma nữ truyện, Lộc Đỉnh Ký... Diễn viên gây ấn tượng sâu đậm với vẻ sắc sảo, nửa tà nửa chính trong các phim kiếm hiệp.
Nghệ sĩ kết hôn với doanh nhân Hình Lý Nguyên năm 1994, từ đó thôi đóng phim. Theo thống kê của Forbes năm 2022, ông Hình sở hữu khối tài sản 2,1 tỷ USD. Hình Lý Nguyên từng là chủ tịch của Esprit Holdings Limited - công ty thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng.
Nghinh Xuân