Đinh Hằng sinh năm 1987, làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng. Cô tự nhận là người tự do và khao khát xê dịch. Chính vì vậy, cô từng thực hiện nhiều chuyến đi lớn, nhỏ đến những vùng đất khác nhau trên thế giới.
Trong cuốn sách vừa phát hành, Đinh Hằng thể hiện cái nhìn chân thực nhất của cô về thiên nhiên, văn hóa và con người Mỹ. Đó không phải là cái nhìn của công dân một nước đang phát triển lần đầu đến xứ cờ hoa, mà của một người lữ hành dày dạn kinh nghiệm, đến một xứ sở mới, gặp những con người mới - một cái nhìn bình đẳng, điềm nhiên và không định kiến. Nước Mỹ hiện lên qua những trang sách rất thực, không tô hồng, không phóng đại, kể cả khi đề cập các vấn đề tình một đêm, đồng tính, ma túy.
Nói về ý tưởng viết nên cuốn sách đầu tay, Đinh Hằng chia sẻ: "Viết lách với tôi trước hết là một sở thích, đam mê, sau này trở thành nghề. Nhưng ra đời một cuốn sách là việc rất tình cờ. Nó chưa bao giờ nằm trong những dự định hay mục tiêu của cuộc đời tôi. Nhưng suy cho cùng, cuộc đời vẫn thường làm chúng ta bất ngờ theo cách như vậy".
Hiện lên từ những trang sách là một cô gái giàu cảm xúc, với nội tâm phong phú đang cảm nhận miền đất lạ bằng cả tâm hồn, để thấu hiểu trọn vẹn những nơi cô đi qua. "Mỗi khi ngồi ở quán cà phê Ritual trên đường Valencia, nhấp vị latte rang xay vừa độ ánh lên màu nâu hổ phách, tôi vẫn thường tự hỏi nếu là hoạ sĩ, tôi sẽ chọn màu gì để vẽ San Francisco? Đó có thể là màu cam ánh đỏ của cầu Cổng Vàng, màu trắng đục của những dải sương mù bay la đà trên thành phố, màu xanh biếc của biển và trời xô vào nhau ở cuối chân trời. Nhưng dù chọn màu gì, San Francisco trong tôi luôn luôn là màu xanh của đôi mắt người tôi yêu đến mê mải", tác giả viết.
Nước Mỹ còn mở ra bằng những xung đột tâm lý của cô gái trên hành trình đơn độc của mình. Cô gái dám nghỉ việc, trả nhà, bay nửa vòng Trái Đất và quăng mình vào một hành trình không đích đến để đối mặt với người mình từng yêu một lần nữa. Để rồi, những trải nghiệm của cô có là sự đan xen mãnh liệt những cô đơn, đau đớn, nhưng bật lên niềm tin, khát vọng và đam mê của tuổi trẻ.
"Đây là cuốn sách nên đọc nếu bạn còn trẻ, đam mê những con đường và trước bao nhiêu sóng gió cuộc đời bạn vẫn ngẩng cao đầu tiến về phía trước", nhà văn Nguyễn Lê My Hoàn nhận xét về sách.
Theo quan niệm của tác giả trẻ, "du lịch bụi là một cuộc sống khác, ở đó không có áp lực của một ngày làm việc tám tiếng, nhưng bạn sẽ phải vội vã để không trễ một chuyến bay hay một chuyến xe buýt đường dài. Điều ấy xảy ra gần như mỗi ngày và bạn luôn phải trong trạng thái di chuyển liên tục. Vì cuộc đời là những chuyến đi. Vì tuổi trẻ đâu có bao nhiêu, nên phải đi, và sống, sống cho hết những tháng năm tuổi trẻ rồi sẽ không bao giờ trở lại nữa".
Là người yêu viết lách, Đinh Hằng từng giành nhiều giải thưởng về Văn học và được tuyển thẳng vào khoa Báo chí - Truyền thông Đại học KHXH&NV TP HCM. Năm 2013, cô dành hẳn một năm để làm một “nghề” hoàn toàn mới: Người đi du lịch bụi toàn thời gian. Trong năm này cô đã thực hiện chuyến đi 10 tháng độc hành qua 20 tiểu bang ở Mỹ, Mexico và Cuba. “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” là một trong những câu chuyện tâm đắc của Đinh Hằng trong khoảng thời gian 6 tháng trên đất Mỹ, được NXB Hội Nhà Văn và công ty Nhã Nam phát hành dưới dạng sách tự truyện - du ký.
Lê Thương