Nếu thế giới đang đi tới hồi kết, bạn sẽ chọn ai ở cạnh mình? Với Nancy Townsend, đó là Herb Thomas, người đàn ông lần đầu gặp trong bữa trưa hồi tháng 3. Cả hai trò chuyện qua mạng, cùng ăn tối và đến cuối tháng 4 đã đính hôn. Ngày 6/9/2020, Nancy và Herb kết hôn tại Pennsylvania.
"Chúng tôi cảm thấy mình không còn thời gian để lãng phí", Nancy 66 tuổi, cựu sĩ quan góa chồng, chia sẻ.
Không chỉ mình Nancy nghĩ như thế.
Ở Mỹ, việc đăng ký kết hôn trong đại dịch đã trở nên khó khăn hơn bởi nhiều người độc thân quyết định cưới.
Trong lịch sử, những khoảng thời gian căng thẳng thường kéo theo tỷ lệ kết hôn tăng. Ví dụ, sau cơn bão Hugo năm 1989 khiến hơn 60 người tử vong và hai triệu người khác bị ảnh hưởng, số người lập gia đình ở Nam Carolina tăng lên dù trước đó có xu hướng giảm. Sau vụ tấn công 11/9, tỷ lệ kết hôn không tăng nhưng số vụ ly hôn lại ít đi, riêng ở New York giảm 32%. Ở Nhật, sau trận sóng thần năm 2011 ghi nhận hiện tượng tương tự.
Covid-19 cũng như thế. Trong cuộc khảo sát do Brides, chuyên trang về cưới xin ở Mỹ, tiến hành trên 4.000 đôi vợ chồng sắp cưới, 82% người tham gia thừa nhận dịch bệnh khiến họ muốn kết hôn hơn với suy nghĩ "cùng nhau vượt qua khó khăn". Bên cạnh đó, 55% tiết lộ đại dịch thay đổi kỳ vọng của họ về hôn nhân và khiến họ đặt mối quan hệ của mình lên trên hết.
"Không có gì đáng ngạc nhiên", Rebecca Haney, chuyên gia tâm lý ở Cincinnati, nhận định. Sợ hãi và lo lắng khiến con người cảm thấy mất kiểm soát và để tìm cách lấy lại thế chủ động, một số cá nhân đưa ra những quyết định, thay đổi quan trọng trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh.
Theo Nick Bognar, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình ở California, kết hôn trong đại dịch đem tới sự an toàn và ổn định. Cũng có ý kiến cho rằng nếu mối quan hệ của bạn tồn tại sau đại dịch thì nó sẽ sống sót qua mọi thử thách khác.
Thu Nguyệt (Theo New York Times)